Sau hai tháng tăng trưởng âm, tín dụng vào nền kinh tế tính đến hết quý I ước tăng 1%, đạt trên 13,76 triệu tỷ đồng.
Thông tin này được Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chia sẻ tại Hội thảo khơi thông nguồn vốn thị trường do báo Tuổi trẻ tổ chức ngày 5/4.
Có một số nhà băng dư nợ cho vay vẫn đang giảm nhưng tại nhiều đơn vị khác, tăng trưởng tín dụng đã đạt 3-5% so với đầu năm. Tính đến 28/3, dư nợ tín dụng đạt 13,79 triệu tỷ đồng, tăng 0,9% so với đầu năm.
"Sau hai tháng tín dụng tăng trưởng âm, đây là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế ngấm vốn", ông Tú nhận định. Ông kỳ vọng tăng trưởng dư nợ cho vay trong các quý còn lại sẽ tích cực hơn và đạt mức dự kiến 14-15% cả năm.
Phó thống đốc chia sẻ, Ngân hàng Nhà nước luôn tạo thanh khoản dồi dào cho thị trường cũng như sẵn sàng sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ khi cần thiết. Vốn cho nền kinh tế không thiếu. Sau 3 tháng, tổng huy động vốn theo Phó thống đốc đạt 13,73 triệu tỷ đồng, sẵn sàng cung ứng vốn cho bất kỳ dự án đảm bảo điều kiện.
Tại cuộc họp, ông Trần Hoài Nam, Phó tổng giám đốc HDBank cũng cho biết nhà băng này giảm dư nợ tín dụng trong tháng đầu năm vì tâm lý người vay trả nợ trước Tết cũng như chu kỳ kinh doanh. Từ tháng 2, dư nợ tín dụng có dấu hiệu tăng lên và tính đến hết quý I, tốc độ tăng tín dụng tại HDBank đạt 6%, tương đương với quy mô tuyệt đối 20.000 tỷ đồng.
Ba lĩnh vực được nhà băng này đẩy mạnh bơm vốn trong ba tháng đầu năm là lĩnh vực nông nghiệp; phục vụ kinh doanh sản xuất gồm xây dựng, hỗ trợ các kênh phân phối và tín dụng xanh.
Còn tại Techcombank, bà Nguyễn Thị Lộc, Giám đốc điều hành miền Nam, cho biết ngân hàng dự kiến dùng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng Ngân hàng Nhà nước cấp từ đầu năm. Sau 2 tháng, tăng trưởng tín dụng tại Techcombank đạt 3-4%, riêng mảng khách hàng doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ gần 7% nhờ sự khởi sắc của xuất khẩu.
Tại ACB, nhà băng vốn có thị phần chính là lĩnh vực bán lẻ năm nay, cũng phải chuyển dịch phát triển mạnh mảng cho vay doanh nghiệp vừa và lớn. Hết 3 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng tại nhà băng này tăng 3,7% so với đầu năm, tương đương 18.000 tỷ bơm ra nền kinh tế. Trong đó, dư nợ cho vay khối cá nhân tăng 3,8% và khối doanh nghiệp tăng 3,5%, tập trung vào nhóm dệt may, nông sản và xuất nhập khẩu có dòng tiền, doanh thu.
Tuy nhiên, nhu cầu tín dụng thực tế từ các doanh nghiệp vẫn không mạnh mẽ như mọi năm.
Đại diện cho các doanh nghiệp khối sản xuất kinh doanh, bà Tô Thị Tường Lan, Phó tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản (Vasep) cho biết quý đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản đã ấm dần lên so với quý cuối năm ngoái, nhưng doanh nghiệp vẫn ngại đi vay.
Nhóm doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu thường có nhu cầu vay USD tuy nhiên tỷ giá biến động liên tục khiến doanh nghiệp ngần ngại. Còn với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ có chiến lược kinh doanh tốt, họ cho biết vẫn đang có quan hệ chặt với ngân hàng để tận dụng mức lãi suất hiện nay.
Về phía nhóm bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM, đánh giá giải pháp lớn nhất để khơi thông tín dụng lại là giải pháp phi tín dụng. Bởi, 70% vướng mắc hiện nay của doanh nghiệp là về pháp lý. Có gỡ được nút thắt này, vốn ngân hàng mới chảy vào được lĩnh vực bất động sản.
Hiện nay, lãi suất cho vay bình quân theo công bố của các ngân hàng dao động 6-9% một năm.
Lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng tổng hợp bởi nhóm nghiên cứu Viện IBT.
Bà Phạm Thị Thanh Xuân, Phó Viện trưởng Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế Luật, đánh giá mức lãi suất này tương đối thấp so với mặt bằng trước đây, tuy nhiên vẫn có sự cách biệt giữa các kỳ hạn cũng như đối tượng vay vốn. Các ngân hàng đang theo chiến lược thu hút vốn ngắn, xoay vòng ngắn, lãi suất huy động đang có dấu hiệu nhích lên.
Lãi suất thấp sẽ phát huy được khi nền kinh tế ở pha phục hồi. Bên cạnh đó, việc các ngân hàng công khai, minh bạch lãi suất cho vay là động thái, theo bà, rất quan trọng để đẩy các ngân hàng phải cạnh tranh về giá và dịch vụ.
Việc duy trì lãi suất ở mức thấp, tuy nhiên cũng tạo áp lực lên tỷ giá USD/VND. Trong quý đầu năm nay, tỷ giá chịu nhiều sức ép từ nhiều phía, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất tiền đồng thấp khiến thị trường liên ngân hàng có những biến động.
Tuy nhiên, ông Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đánh giá việc giữ tỷ giá ổn định trong khoảng 3-4% là điều nằm trong tầm tay của Ngân hàng Nhà nước. "Tuy nhiên, chúng ta tuyệt đối không đánh đổi đẩy lãi suất lên cao để giữ tỷ giá, vì đó là sự đánh đổi đắt giá nhất", ông nói.
nguồn : vnexpress.net