Covid-19 thúc đẩy thương mại điện tử nhưng các doanh nghiệp cho biết rất khó tuyển được lao động chuyên trong lĩnh vực này.
Báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) vừa công bố cho thấy, năm 2020 chỉ có 23% doanh nghiệp có lao động chuyên trách về thương mại điện, giảm gần 1/3 so với 2018. Xét về quy mô, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có tỷ lệ lao động chuyên trách về thương mại điện tử là 21%, bằng một nửa so với nhóm các doanh nghiệp lớn.
"Tác động của Covid-19 và áp lực tài chính nên việc cắt giảm biên chế, kiêm nhiệm nhiều vai trò được các công ty triển khai để duy trì hoạt động trong giai đoạn khó khăn", VECOM nhận xét.
Thương mại điện tử Việt Nam có mức tăng trưởng trung bình 30% trong 5 năm qua và dự báo cán mốc 52 tỷ USD vào 2025.
Quy mô thị trường lớn nhưng ngày càng khó tuyển lao động có kỹ năng về thương mại điện tử. Hai mảng được "săn" nhiều nhất là quản trị website và sàn giao dịch thương mại điện tử nhưng không phải lúc nào các công ty cũng tuyển được người. Gần một nửa doanh nghiệp trong ngành tham gia khảo sát của VECOM cho biết họ gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động có kỹ năng này.
Tỷ lệ doanh nghiệp chuyên về thương mại điện tử theo lĩnh vực hoạt động. Ảnh: VECOM.
Ngành kinh doanh về nghệ thuật - vui chơi - giải trí và thông tin - truyền thông là hai lĩnh vực có tỷ lệ lao động chuyên về thương mại điện tử cao nhất, lần lượt 45% và 42%. Tiếp theo sau đó là lĩnh vực hoạt động tài chính - ngân hàng - bảo hiểm 38% và hoạt động chuyên môn - khoa học - công nghệ 31%. Còn nhân lực trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất phân phối điện, nước... là hai lĩnh vực có tỷ lệ lao động chuyên trách thương mại điện tử là thấp nhất, 18%.
Các chuyên gia cho rằng, khoảng trống lớn về nhân lực có kiến thức thương mại điện tử là khó khăn cho các doanh nghiệp khi phải thích nghi với các giao thức giao dịch mới. "Không được đầu tư kịp thời về nhân lực, thương mại điện tử vốn là lợi thế nâng cao năng lực cạnh tranh, sẽ trở thành rào cản cho các doanh nghiệp tham gia hội nhập", đại diện VECOM chia sẻ.
nguồn : vnexpress.net