Các nhà sản xuất, bao gồm Tesla, bắt đầu hoạt động lại ở thành phố đông dân nhất Trung Quốc nhưng cũng không dễ dàng.
Hôm nay, Tesla đã triệu tập công nhân đến nhà máy ở Thượng Hải để chuẩn bị cho việc hoạt động lại. Cùng với công ty này, hai nhà sản xuất ôtô khác là SAIC Motor - đối tác Trung Quốc của Volkswagen, và General Motors cũng cho biết bắt đầu thử nghiệm các kế hoạch nối lại sản xuất cùng thời điểm.
Tesla ban đầu định khởi động một ca sản xuất vào ngay ngày thứ hai. Tuy nhiên, tắc nghẽn hậu cần vẫn tiếp diễn do chính quyền ở các thành phố khác phải đóng cửa dẫn đến gián đoạn cảng và vận tải đường bộ. Vì vậy, họ đang tìm cách triển khai sang hôm thứ ba (19/4) vì sự chậm trễ về hậu cần của nhà cung cấp.
Tương tự, giám đốc điều hành giấu tên tại một công ty dược phẩm nói với Shanghai Securities News rằng không rõ làm thế nào để họ có thể vận chuyển hàng hóa với tình hình hạn chế đang diễn ra. "Đây là những vấn đề thực sự cần chính sách giải quyết", người này nói.
Nhà máy Tesla ở Thượng Hải. Ảnh: Reuters
Cuối tuần trước, giới chức Trung Quốc công bố danh sách 666 công ty được ưu tiên mở lại hoặc tiếp tục hoạt động ở Thượng Hải. Ngay lập tức, Tesla thông báo kế hoạch hoạt động lại cho công nhân. Để vượt qua những hạn chế đối với các khu dân cư trong thành phố, công ty cấp một giấy xác nhận đặc biệt cho những người theo yêu cầu và bố trí xe đưa đón để đưa họ trở lại nhà máy.
Chỉ những nhân viên cư trú tại các khu dân cư có nguy cơ thấp nhất và những người đã hoàn thành chế độ tiêm chủng hai mũi mới được phép vào lại. Cùng với khoảng 400 nhân viên đã có mặt tại nhà máy do các biện pháp phòng dịch trước đó, công ty quyết định sẽ tổ chức sản xuất khép kín.
Mỗi công nhân sẽ được cung cấp một túi ngủ và nệm. Do không có bất kỳ ký túc xá sẵn có, mọi người sẽ ngủ trên sàn trong một khu vực được chỉ định và sẽ có các không gian khác được phân bổ để tắm vòi sen, giải trí (cả hai đều chưa hoàn thành) và phục vụ ăn uống.
Tất cả nhân viên sẽ phải xét nghiệm hàng ngày trong ba ngày đầu tiên, kiểm tra nhiệt độ hai lần một ngày và rửa tay bốn lần một ngày, hai lần vào buổi sáng và hai lần vào buổi chiều. Người lao động sẽ được cung cấp ba bữa ăn và được trợ cấp khoảng 400 nhân dân tệ (63 USD) một ngày. Số tiền thực tế sẽ phụ thuộc vào vị trí và trình độ từng người.
Kế hoạch sản xuất khép kín dự kiến kéo dài đến hết ngày 1/5 và có thể thay đổi theo chính sách phòng chống đại dịch của thành phố. Trước khi dừng hoạt động hôm 28/3, các công nhân của Tesla tại Thượng Hải làm việc ba ca liên tục 24 giờ, bảy ngày một tuần. Nhân viên nhà máy sẽ làm việc bốn ngày và có hai ngày nghỉ sau đó. Giờ đây, họ được yêu cầu làm việc 12 giờ một ngày, sáu ngày liên tục với một ngày nghỉ.
Nhà máy ở Thượng Hải của Tesla sản xuất khoảng 2.100 xe mỗi ngày, và đã xuất xưởng 182.174 xe trong quý vừa qua. Tuy nhiên, việc thúc đẩy sản xuất trở lại sau thời gian ngừng hoạt động lâu như vậy sẽ không phải là một quá trình tức thì. Theo nguồn tin của Bloomberg, Tesla chỉ có hàng tồn kho trong hơn hai tuần dựa trên lịch trình khép kín mới và hậu cần là một vấn đề lớn đối với nhiều bộ phận khác.
Việc phong tỏa Thượng Hải và các biện pháp chống dịch rộng hơn của Trung Quốc đang gây tổn hại cho nền kinh tế số hai thế giới. Nhà chức trách cho biết việc chấm dứt lây nhiễm trong cộng đồng là điều cần thiết để chấm dứt tình trạng phong tỏa. Tháng trước, Thâm Quyến đã cho phép các doanh nghiệp hoạt động trở lại ngay sau khi đạt được tình trạng tương tự.
Thành phố này đặt mục tiêu ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 bên ngoài các khu vực cách ly vào thứ tư tuần này (20/4). Giới chức quyết định đẩy mạnh xét nghiệm và chuyển các ca dương tính cùng người thân của bệnh nhân đến các trung tâm cách ly để đáp ứng mục tiêu tham vọng đó.
Nhưng Jin Dongyan, Nhà virus học tại Đại học Hong Kong, cho biết sẽ rất khó để đạt được mục tiêu vì biến thể Omicron có thể lây lan nhanh hơn mức Thượng Hải có thể xác định bằng cách xét nghiệm PCR. Thành phố này đã thực hiện hơn 200 triệu lượt xét nghiệm PCR kể từ ngày 10/3.
nguồn : vnexpress.net