Sau 8 năm áp dụng với nhiều tranh cãi, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) hôm nay có bước ngoặt lịch sử khi ngừng chính sách lãi suất âm.
BOJ hôm 19/3 thông báo nâng các mức lãi suất ngắn hạn lên 0-0,1%, thay vì -0,1% như trước. Đây là lần đầu tiên sau 17 năm, cơ quan này nâng lãi suất, và cũng là lần đầu tiên từ năm 2016 họ chấm dứt chính sách lãi suất âm. Dù vậy, mức lãi vẫn duy trì quanh 0%, do đà phục hồi kinh tế mong manh.
Nhật Bản là quốc gia cuối cùng trên thế giới bỏ lãi suất âm, chấm dứt thời kỳ nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng.
"Động thái này có ý nghĩa biểu tượng rất lớn. Tuy nhiên, tác động thực tế lên nền kinh tế không nhiều. Lãi cho vay và mua nhà khó tăng mạnh", Izumi Devalier - Giám đốc nghiên cứu kinh tế Nhật Bản tại Bank of America Securities nhận xét.
BOJ cũng từ bỏ việc kiểm soát đường cong lợi suất (YCC), vốn được áp dụng từ năm 2016, nhằm giữ trần lãi suất dài hạn quanh 0%. Tuy nhiên, trong thông báo hôm nay, họ cho biết sẽ mua vào lượng trái phiếu chính phủ như trước đây nếu lợi suất tăng nhanh.
Quyết định trên của BOJ được dự báo từ trước. Lạm phát tại Nhật Bản vượt mục tiêu 2% hơn một năm qua. Trong cuộc đàm phán lương tuần trước, các công ty lớn nhất nước này cũng đồng ý tăng lương lên mức cao nhất 33 năm cho người lao động.
Thị trường tài chính rất quan tâm đến cuộc họp hôm nay của BOJ. Lợi suất trái phiếu tăng vọt sẽ khiến núi nợ công của nước này càng phình to. Nợ công Nhật Bản hiện gấp đôi GDP - cao nhất trong nhóm nước phát triển.
Quyết định chấm dứt lãi suất âm cũng có thể khiến nhà đầu tư Nhật rời thị trường nước ngoài để quay về quê nhà. Lãi suất âm là nguyên nhân chủ yếu khiến yen Nhật yếu đi vài năm qua, khiến nhà đầu tư tìm đến các thị trường khác có lợi nhuận cao hơn.
nguồn : vnexpress.net