Fed và các ngân hàng trung ương lớn sẽ hợp tác tăng dòng chảy USD toàn cầu, đảm bảo tín dụng cho các gia đình và doanh nghiệp.
"Ngân hàng Trung ương Canada, Anh, Nhật Bản, châu Âu, Thụy Sĩ và Fed hôm nay thông báo phối hợp hành động nhằm tăng thanh khoản thị trường thông qua các thỏa thuận hoán đổi USD", các ngân hàng cho biết trong tuyên bố chung.
Theo thỏa thuận, từ ngày 20/3 đến ít nhất là hết tháng 4, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương sẽ cung cấp USD theo ngày, hơn là theo tuần. "Các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ sẽ là chốt chặn quan trọng, xoa dịu căng thẳng thanh khoản trên thị trường toàn cầu, từ đó giảm thiểu rủi ro cạn kiệt nguồn cung tín dụng đến các hộ gia đình và doanh nghiệp", thông báo cho biết.
Thông báo này được đưa ra chỉ vài giờ sau khi giới chức Thụy Sĩ hỗ trợ UBS – ngân hàng lớn nhất nước này - mua lại khẩn cấp Credit Suisse. Credit Suisse là một trong 30 ngân hàng có tầm quan trọng lớn về mặt hệ thống với ngành tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng niềm tin tại đây đã khiến họ liên tục bị rút tiền và đứng trước nguy cơ sụp đổ.
Chủ tịch Fed Jerome Powell và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết họ hoan nghênh cách giải quyết của chính phủ Thụy Sĩ với Credit Suisse. Ngân hàng Trung ương Anh cũng có động thái tương tự.
Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ giữa các ngân hàng trung ương sẽ cho phép họ nhận ngoại tệ từ cơ quan phát hành, và phân phối đến các ngân hàng thương mại trong nước. Ví dụ, thỏa thuận giữa Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ cho phép ECB đổi euro lấy lượng USD tương ứng. ECB sau đó sẽ phân phối số USD này cho các ngân hàng thương mại tại 20 nước sử dụng đồng euro.
ECB cho biết các thỏa thuận này là công cụ quan trọng để duy trì ổn định tài chính và ngăn căng thẳng thị trường ảnh hưởng đến nền kinh tế. Trung khủng hoảng tài chính 2008, tâm lý ngại rủi ro sau vụ sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers đã khiến nguồn vốn trên thị trường cạn kiệt. Các ngân hàng ở khu vực đồng euro rất khó tiếp cận USD.
Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết biến động thị trường sau hai vụ ngân hàng đóng cửa tại Mỹ đã khiến nhiều người khó vay tiền. "Khi các nhà băng gặp khó khăn, họ sẽ ngại cho vay. Tín dụng sẽ ngày càng đắt và hiếm hơn", bà Yellen giải thích.
Bà Christine Lagarde – Chủ tịch ECB tuần trước cũng cho biết trước báo giới rằng "căng thẳng trên thị trường ngày càng leo thang" có thể siết thêm thị trường tín dụng vốn đã rất thắt chặt vì lãi suất tăng cao.
nguồn : vnexpress.net