Bộ Kế hoạch & Đầu tư cập nhật hai kịch bản trong 6 tháng cuối năm 2023 khi Việt Nam phấn đấu GDP cả năm tăng 6-6,5%.
Thông tin này được Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu, khi báo cáo tình hình kinh tế xã hội, tại phiên họp Chính phủ với các địa phương, sáng 4/7.
Theo đó, GDP quý II tăng 4,14%, tính chung nửa đầu năm là 3,72%. Dự báo bối cảnh, tình hình nửa cuối năm và kết quả đạt được 6 tháng qua, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cập nhật lại hai kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm.
Kịch bản 1, GDP cả năm dự kiến tăng 6%, thì tăng trưởng quý III phải đạt 6,8%, quý IV là 9%, cao hơn lần lượt 0,3 và 1,9 điểm phần trăm so với kịch bản đưa ra hồi đầu năm. Với kịch bản này, tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8%.
Kịch bản 2, GDP năm 2023 tăng 6,5%. Tức là, hai quý cuối năm phải đạt tăng trưởng 7,4% và 10,3%. Các mức tăng này lần lượt cao hơn kịch bản đưa ra đầu năm là 0,9 và 3,2 điểm phần trăm. Tính chung, tăng trưởng nửa cuối năm phải đạt 8,9%.
"Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm nay là thách thức rất lớn", Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư, nhận xét.
Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Hoàng Phong
Nhiều nhiệm vụ, giải pháp được Bộ này đề xuất, trong đó, các bộ, địa phương cần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, thúc đẩy các động lực tăng trưởng tiêu dùng trong nước, đầu tư (gồm khu vực tư nhân, doanh nghiệp Nhà nước, thu hút FDI và đầu tư công) và xuất khẩu.
Các thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, lao động phải được theo dõi chặt chẽ, xử lý vướng mắc... để trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với tăng phân cấp, phân quyền, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.
Trước đó, một số tổ chức quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm nay, nhưng cơ bản vẫn ở mức tích cực. Chẳng hạn, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong báo cáo đưa ra cuối tháng 6, hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay từ mức 5,8% xuống còn 4,7%.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ với các địa phương, ngày 4/7. Ảnh: VGP
Nhìn lại kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng, các chỉ tiêu kinh tế tháng 6 tốt hơn tháng 5 và quý II tốt hơn quý I.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng tăng 3,39% so với cùng kỳ, tiếp tục xu hướng giảm. Xuất siêu hơn 12,2 tỷ USD. Đầu tư có dấu hiệu tích cực hơn, ước đạt 1,35 triệu tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ. Giải ngân vốn đầu tư công hơn 65.000 tỷ đồng, đạt gần 30,5% kế hoạch.
Dịch vụ vẫn là động lực quan trọng của nền kinh tế, góp 80% vào tăng trưởng chung, với giá trị tăng thêm 6 tháng là 6,3%.
Tình hình đăng ký doanh nghiệp tích cực hơn, với 13.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 6; gần 7.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, gấp 3,1 lần so với cùng kỳ.
Nhiều tín hiệu tích cực song Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng tình hình kinh tế, xã hội còn những hạn chế, khó khăn. Ông lưu ý các vấn đề, như tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm là 3,72%, thấp hơn kịch bản đề ra (6,2%); sản xuất kinh doanh, lao động, việc làm gặp nhiều khó khăn. Cùng đó, còn tình trạng cán bộ công chức viên chức sợ sai, né tránh trách nhiệm.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư tại phiên họp cũng chỉ ra tăng trưởng thấp của khu vực công nghiệp - xây dựng, hơn 1,1%, là nguyên nhân khiến GDP nửa đầu năm tăng thấp, đạt 60% kế hoạch.
Cùng đó, tỷ lệ lao động thiếu việc làm quý II là 2,06%; cắt giảm lao động tập trung tại một số địa phương nhiều khu công nghiệp, khu chế chế xuất, như Hà Nội, TP HCM, Bắc Giang, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bình Dương.
"Khả năng chống chịu của các doanh nghiệp trong nước, sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi Covid-19 còn yếu, nhiều doanh nghiệp đã đến mức tới hạn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa", theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư.
Kết luận cuộc họp hôm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng dư địa điều hành còn khá lớn nên lúc này chính sách tiền tệ cần nới lỏng hơn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
Theo mục tiêu Quốc hội giao và kế hoạch của Chính phủ, tăng trưởng kinh tế năm nay khoảng 6,5% và lạm phát 4,5%.
Hiện, dư địa chính sách khá lớn, khi lạm phát giảm dần còn 3,29%; nợ công, nợ Chính phủ thấp hơn nhiều mức trần Quốc hội cho phép, lần lượt 38% và 34,7%. Đây cũng là điểm mạnh của Việt Nam so với nhiều nước trên thế giới còn ít hoặc khó khăn cho dư địa chính sách. Do đó, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng lúc này là phù hợp.
Ông cũng lưu ý các bộ, ngành, trong chỉ đạo điều hành cần bảo đảm cân bằng, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá; tăng trưởng - lạm phát, cung và cầu, chính sách tiền tệ và tài khóa.
Trong đó, chính sách tiền tệ linh hoạt, nới lỏng hơn thông qua tăng cung tiền (M2), tăng tín dụng, giảm lãi suất, nhất là lãi vay. "Chính sách tiền tệ mới lỏng hơn trong điều kiện hiện nay là cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết tháo gỡ khó khăn về thanh khoản, tín dụng, thúc đẩy phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh", Thủ tướng nói.
Các bộ, ngành, địa phương phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn và giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp
"Không được đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, nhũng nhiễu, tiêu cực và xử lý nghiêm các vi phạm", theo chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ.
Dự kiến sau phiên họp, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết phiên họp và Nghị quyết chuyên đề về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.
nguồn : vnexpress.net