Tây Ban Nha trong năm qua tăng 84% lượng nhập khẩu LNG từ Nga, trở thành khách hàng hàng đầu ở châu Âu mua khí đốt hóa lỏng của Moskva.
Dữ liệu từ nhà điều hành lưới điện Tây Ban Nha Enagas SA cho thấy nước này từ tháng 3/2022 đến tháng 2 năm nay nhập khẩu 61.344 GWh khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nga, tăng hơn 84% so với 33.305 GWh cùng kỳ trước đó.
LNG Nga chiếm 14% tổng nguồn cung của Tây Ban Nha trong giai đoạn này, tăng 6,2 điểm phần trăm so với năm trước đó. Madrid chỉ nhận khí đốt Moskva dưới dạng LNG, bởi tập đoàn năng lượng Naturgy Energy Group SA đã ký hợp đồng 20 năm với nhà cung cấp Yamal LNG của Nga cho đến năm 2038.
Tây Ban Nha cũng là khách hàng mua LNG Nga hàng đầu của Liên minh Châu Âu trong gần ba tháng đầu năm nay, tiếp theo là Pháp và Bỉ, theo dữ liệu của Bloomberg.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA), Tây Ban Nha cũng là nước chi tiêu cho dầu và khí đốt Nga lớn nhất khối, với tổng 944 triệu euro (một tỷ USD) tính từ ngày 1/1 đến 9/3.
Nhà máy LNG lớn nhất châu Âu Enagas ở Barcelona, Tây Ban Nha, ngày 29/3. Ảnh: AP.
Tây Ban Nha đã phải tăng cường tìm nguồn cung LNG mới sau nước này xích mích ngoại giao với Algeria, nhà cung cấp khí đốt lâu đời cho Madrid.
Algeria ngày 8/6/2022 đình chỉ hiệp ước hữu nghị với Tây Ban Nha, sau khi Madrid thay đổi hoàn toàn lập trường về vấn đề Tây Sahara, theo hướng ủng hộ quan điểm của Maroc trong tranh chấp với Algeria.
Theo Bloomberg, thực tế Tây Ban Nha tăng mua LNG Nga cho thấy châu Âu vẫn phụ thuộc vào năng lượng của Moskva bất chấp các nỗ lực cắt giảm. Năm 2022, xuất khẩu LNG Nga sang châu Âu tăng 30%, dù Moskva giảm nguồn cung khí đốt qua đường ống xuống mức tối thiểu.
Tháng trước, LNG Nga chiếm 16% tổng lượng nhiên liệu nhập khẩu vào Tây Âu, trong khi Mỹ cung cấp gần 1/2.
Sự phụ thuộc của Madrid vào LNG Nga có thể khiến giới chức EU chú ý, khi các chính trị gia kêu gọi cắt giảm nhập khẩu năng lượng Moskva do xung đột Ukraine.
Tuần trước, giám đốc năng lượng EU Kadri Simson kêu gọi các thành viên ngừng nhập LNG Nga, nói rằng các công ty châu Âu không nên gia hạn với Moskva sau khi các hợp đồng hiện tại kết thúc.
Châu Âu đã áp loạt lệnh trừng phạt chưa từng có và nỗ lực giảm phụ thuộc năng lượng Nga để phản ứng với chiến sự Ukraine. Nguồn thu lớn từ xuất khẩu năng lượng được coi là một trong những trụ cột giúp kinh tế Nga đứng vững trước lệnh trừng phạt phương Tây trong năm qua, dù sức ép sẽ dần tăng lên trong tương lai.
nguồn : vnexpress.net