Ý định giảm thuế hàng Trung Quốc nhìn qua là một bước lùi của Mỹ trong thương chiến nhưng rộng hơn có thể là chiến lược hoàn toàn khác của Biden.
Trung Quốc thường là mối quan tâm hiếm hoi được sự đồng thuận trong chính trường Mỹ. Các chính trị gia đồng ý rằng cần phải làm gì đó để kiềm chế sự trỗi dậy của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nhưng bên dưới sự đồng thuận ấy lại là những chia rẽ và rối rắm không nhỏ. Điển hình mới nhất chính là cuộc tranh luận có nên dỡ bỏ thuế quan với Trung Quốc hay không.
Theo Economist, cách tiếp cận của ông Biden với kinh tế Trung Quốc đang dần rõ ràng. Chỉ trong vài tuần tới, chiến lược này là kiên quyết, chặt chẽ hay vẫn đầy mâu thuẫn sẽ được sáng tỏ.
Trong một bài phát biểu vào tháng 5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đúc kết chính sách của Biden với Trung Quốc trong vài từ sau: "đầu tư, liên kết, cạnh tranh". Tức là Mỹ nên đầu tư vào sức mạnh của chính mình; liên kết chặt chẽ hơn với các đồng minh; và đối đầu với Trung Quốc khi cần thiết.
Tổng thống Mỹ Joe Biden trao đổi trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2021. Ảnh: Reuters
Bắt đầu với sự cạnh tranh - yếu tố trung tâm dưới thời Donald Trump. Theo tính toán của Chad Bown, Chuyên gia kinh tế cấp cao Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, vào thời điểm ông rời Nhà Trắng, thuế quan trung bình của Mỹ với các sản phẩm Trung Quốc đã tăng từ khoảng 3% lên gần 20%. Câu hỏi trước mắt là Biden phải làm gì với "di sản" này của người tiền nhiệm.
Với lạm phát đang ở mức cao, ông Biden muốn giảm bớt áp lực về giá. Việc loại bỏ thuế quan với Trung Quốc - vốn cuối cùng đánh vào người tiêu dùng - về lý thuyết sẽ có ích. Nhưng thực tế, nó có thể đóng góp rất nhỏ. Nghiên cứu từ Viện Peterson ước tính việc loại bỏ thuế quan sẽ chỉ giảm 0,3 điểm phần trăm tỷ lệ lạm phát, hiện ở mức hơn 8%. Nhưng dù sao, nó vẫn là nỗ lực giá trị khi lạm phát cao như hiện nay. Vấn đề là, ông Biden sẽ không muốn hành động để bị các đảng viên Cộng hòa, hay thậm chí là Trung Quốc, xem như thua cuộc trong thương chiến.
Ngay cả trong chính quyền của ông, nhiều người vẫn coi thuế quan là đòn bẩy quý giá nên Economist cho rằng khả năng cao vẫn là đưa ra chỉnh sửa nhỏ về thuế. Các mức thuế của ông Trump áp dụng với chất bán dẫn nhưng các khoản bổ sung đánh vào mặt hàng như giày dép, gây tổn hại trực tiếp hơn đến người tiêu dùng. Do đó, dỡ bỏ thuế quan với một số sản phẩm tiêu dùng có vẻ là quyết định dễ dàng.
Biden đang nhận nhiều phản đối ngày càng gay gắt hơn cho ý định giảm thuế của mình. "Với thuế quan đánh vào các sản phẩm công nghệ cao hoặc đầu vào công nghiệp, chính quyền Biden có thể muốn tăng đáng kể cùng với việc loại bỏ các mặt hàng khác. Họ cần xác định cái nào hiệu quả", Clete Willems, Thành viên nhóm thương mại thời Trump nói.
Bên cạnh thuế, Nhà Trắng cũng tranh luận về việc có nên mở cuộc điều tra mới về hành vi kinh tế của Trung Quốc hay không. Cuộc điều tra lớn của ông Trump, được tiến hành theo mục 301 của Luật Thương mại Mỹ, từng tập trung vào "cưỡng bức chuyển giao công nghệ". Nhiều người trong chính quyền Biden coi đó là mục tiêu sai.
Vì vậy, cuộc điều tra mới có thể tập trung vào các kế hoạch công nghiệp và trợ cấp của Trung Quốc. Điều đó có vẻ hấp hẫn, nhưng vấn đề nằm ở phần sau.
"Khi có kết quả điều tra rồi, thách thức lớn hơn là liệu chính quyền có sẵn sàng thực hiện biện pháp gì hay không, có sẵn sàng áp đặt các trừng phạt mới đáng kể với Trung Quốc không?", Scott Kennedy, Chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một tổ chức tư vấn ở Washington, cho biết. Sự chậm trễ của Nhà Trắng trong việc công bố cuộc điều tra mới dù đã thảo luận về nó nhiều tháng, cho thấy sự lưỡng lự của họ.
Một khía cạnh khác trong cuộc cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc là các biện pháp trừng phạt kinh tế được áp dụng với các công ty. Chính quyền Trump khơi mào bằng cách đưa Tập đoàn viễn thông Huawei, nhà sản xuất máy bay không người lái Dji vào danh sách đen để ngăn các công ty Mỹ bán bất kỳ mặt hàng nào không được phép.
Tuy nhiên, vào cuối nhiệm kỳ, phương pháp của Trump ngày càng hỗn loạn. Đơn cử như yêu cầu công ty mẹ của TikTok từ bỏ hoạt động tại Mỹ. Đến thời mình, Biden tăng cường trừng phạt ở lĩnh vực này. Hầu hết danh sách đen các công ty thời Trump vẫn còn nguyên. Biden còn bổ sung việc cấm đầu tư của Mỹ vào một loạt các công ty công nghệ giám sát của Trung Quốc.
Nhà Trắng cũng đang xem xét quy tắc mới để chặn các đối thủ nước ngoài truy cập vào dữ liệu cá nhân của người Mỹ, điều này có thể gây khó dễ cho TikTok. Tóm lại, cách tiếp cận của Biden trông không giống như việc rút lui khỏi ẩu đả kinh tế với Trung Quốc mà là sự chuyên nghiệp hóa hơn, theo Economist.
Phần thứ hai trong chiến lược của Biden là liên kết với các đồng minh - điều khiến ông khác biệt với người tiền nhiệm. Trong khi ông Trump lạnh lùng với những người bạn trung thành nhất của Mỹ, Biden nối lại quan hệ.
Cách tiếp cận châu Á của ông đã được công bố vào tháng 5, với sự ra mắt của Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF), gắn kết các quốc gia đại diện cho 40% GDP toàn cầu lại với nhau. Một thành quả khác là tuyên bố chung vào cuối hội nghị thượng đỉnh G7 vào ngày 28/6 cam kết "giảm sự phụ thuộc chiến lược" vào Trung Quốc.
Nhưng có những nghi ngờ về hiệu quả của IPEF. IPEF sẽ bao gồm các cuộc thảo luận về mọi thứ từ khử cacbon đến chia sẻ dữ liệu, nhưng sẽ không có gì về thuế quan - một trụ cột chính của các cuộc đàm phán thương mại truyền thống.
Một nhóm chính trị gia lưỡng đảng ở Washington vẫn đang kêu gọi Mỹ tái gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương mà ông Trump đã rút khỏi. Các đồng minh như Nhật Bản sẽ thích điều đó. Họ tin rằng việc tạo ra các chuỗi cung ứng mới là điều cần thiết để giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Tuy nhiên, khả năng này khó xảy ra vì nó có thể chọc giận giới công đoàn và công chúng.
Yếu tố cuối cùng trong chiến lược của ông Biden là "đầu tư tại nhà", cũng là điều mà những lập luận và hành động cách xa nhau nhất. Kế hoạch chi tiêu của Biden vẫn chưa được Quốc hội thông qua. Thượng viện và Hạ viện chỉ thông qua hai dự luật thay thế, với cùng một trọng tâm là kế hoạch trị giá 52 tỷ USD để tăng cường năng lực sản xuất chất bán dẫn của Mỹ.
Một khía cạnh khác mà Nhà Trắng có thể làm là tạo ra một cơ chế yêu cầu các công ty Mỹ thông báo cho chính phủ về chi tiêu ở nước ngoài, làm tăng khả năng Nhà Trắng có thể chặn một số khoản đầu tư vào Trung Quốc. Để dự luật được thông qua trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11, nó có thể sẽ phải được ký trước khi Quốc hội nghỉ giải lao vào tháng 8.
Trước đó, Biden đã cố gắng tạo ra một động thái thúc đẩy đầu tư tại Mỹ. Vào tháng 2, ông công bố sáu báo cáo riêng biệt, bao gồm chất bán dẫn, pin và hơn thế nữa. Mục đích của chúng là để cung cấp tài chính trực tiếp và các biện pháp khuyến khích để củng cố cơ sở sản xuất của Mỹ.
Kể từ đó, các công ty đã công bố hơn 75 tỷ USD đầu tư vào sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn ở Mỹ. Đó một phần là phản ứng với hành động của Biden, nhưng cũng là sự công nhận về tính mong manh của chuỗi cung ứng toàn cầu. Lý do hiếm hoi mà các công ty buộc phải rời Trung Quốc là chính sách chống dịch của nước này.
Nếu Biden thành công trong việc thúc đẩy sản xuất trong nước, chiến thắng đó có thể đến cùng cái giá phải trả là hàng hóa đắt đỏ hơn khi tới tay người tiêu dùng, hiệu quả giảm và cuối cùng là tăng trưởng kinh tế thấp hơn. Ông Biden đúng là đang hàn gắn quan hệ với các đồng minh. Nhưng ở các khía cạnh khác, chiến lược đối phó với Trung Quốc của ông trông giống như một bước cải tiến trong cuộc cạnh tranh kinh tế tay đôi mà Trump đã "khai hỏa".
nguồn : vnexpress.net