Ông Jerome Powell phải tính toán kỹ việc tiếp tục tăng lãi suất hay dừng lại lúc nào khi Trung Quốc đang tìm cách vực dậy nền kinh tế trong tình trạng giảm phát.
Khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell vạch ra động thái tiếp theo của ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới, ông có thể muốn trao đổi với các quan chức ở Bắc Kinh, Forbes bình luận.
Lý do Trung Quốc đã trở lại tình trạng giảm phát vào tháng 10. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nước này giảm nhẹ 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, giá sản xuất tại Trung Quốc tháng 10 cũng giảm 2,6% so với cùng kỳ 2022. Đây là tháng giảm sản xuất thứ 13 liên tiếp, làm dấy lên lo ngại rằng nhiều chủ nhà máy đang giảm giá để tranh giành thị phần khi công suất dư thừa.
"Trung Quốc là một ngoại lệ trong quá trình mở cửa trở lại sau đại dịch vì nền kinh tế nước này đang phải đối mặt với rủi ro giảm phát ngày càng gia tăng thay vì áp lực lạm phát", Grace Ng, Chuyên gia kinh tế cấp cao về Trung Quốc đại lục tại J.P. Morgan, nhận xét.
Giảm phát được định nghĩa là mức giảm bền vững và trên quy mô lớn với giá hàng hóa, dịch vụ trong một khoảng thời gian nhất định. Đây không phải là điều tích cực với nền kinh tế. Vì khi người tiêu dùng và doanh nghiệp trì hoãn chi tiêu để kỳ vọng giá giảm thêm, các vấn đề kinh tế sẽ càng trầm trọng.
Chủ tịch Fed Jerome Powell tại Washington, Mỹ vào ngày 22/3. Ảnh: Reuters
Khi phái đoàn Trung Quốc đến San Francisco để dự Hội nghị Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tuần này, họ có thể nhận nhiều câu hỏi về kế hoạch của Bắc Kinh để tránh tình trạng giảm phát.
Từ cuối những năm 1990, APEC chưa bao giờ quan tâm đến tình trạng suy yếu của nền kinh tế số hai thế giới nhiều như vậy. Lần gần nhất có nỗi lo lắng về sự suy yếu của Trung Quốc là APEC 1997 tại Vancouver, Canada. Hội nghị năm đó diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng tài chính châu Á.
Trước hội nghị một tháng, các quan chức Mỹ và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ra sức ngăn chặn tình trạng bất ổn tiền tệ ở Indonesia, Hàn Quốc và Thái Lan lan rộng sang Trung Quốc. Điều lo lắng vào thời điểm đó của Mỹ là Bắc Kinh cũng sẽ phá giá nhân dân tệ, khơi mào một cuộc đua mới xuống đáy về tỷ giá hối đoái.
Và Trung Quốc đã không phá giá đồng tiền. Nhưng khi APEC tổ chức, mối lo ngại về việc Trung Quốc phá giá nội tệ lại bùng lên. Thêm vào khó khăn chung là Nhật Bản - nền kinh tế lớn nhất châu Á khi đó - sẽ bị kéo vào khủng hoảng.
Khi các nguyên thủ vừa ngồi vào bàn nghị sự tại APEC 1997, họ nhận được tin Công ty Chứng khoán Yamaichi - một trong 4 công ty môi giới lớn huyền thoại của Nhật Bản đã 100 tuổi - sụp đổ. Những ngày tiếp theo, Tổng thống Mỹ Bill Clinton và các nhà lãnh đạo châu Á - Thái Bình Dương ra sức thuyết phục Thủ tướng Nhật Bản Ryutaro Hashimoto kiểm soát hệ thống tài chính của Tokyo.
APEC 1997 là một bài học quan trọng, khi APEC lần này diễn ra ở Bắc Mỹ, vào thời điểm lo lắng lớn nhất về sự mong manh của kinh tế Trung Quốc. Những dấu hiệu mới về giảm phát mới nhất của nước này càng làm tăng thêm lo ngại.
Không có thành viên nào trong các ngân hàng trung ương dõi theo Trung Quốc bằng ông Powell. Khi chuẩn bị đến San Francisco dự APEC, Chủ tịch Fed nói rằng họ sẽ không ngần ngại tăng lãi suất một lần nữa nếu cần thiết.
Phần lớn các điều kiện đó có thể phụ thuộc vào Trung Quốc, nơi tốc độ tăng trưởng đang chậm lại và nguy cơ vỡ nợ gia tăng, theo Forbes. Dĩ nhiên, hầu như không ai nghĩ rằng kinh tế nước này sẽ suy thoái. Tuy nhiên, thị trường bất động sản nơi đây rõ ràng đang gặp khủng hoảng.
Bất động sản chiếm đến 30% GDP khiến ngành này trở thành mối nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu đối với tài chính của các chính quyền địa phương Trung Quốc. Do đó, Bắc Kinh đang chuyển hướng từ ủng hộ việc giảm nợ sang tăng cường kích thích mới. Ngoài việc cắt giảm lãi suất và nới lỏng các yêu cầu mua nhà ở các thành phố lớn, tháng trước Trung Quốc còn công bố kế hoạch 1.000 tỷ nhân dân tệ, tương đương khoảng 137 tỷ USD, để hỗ trợ nền kinh tế.
Dù vậy, Serena Chu, chuyên gia kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại Mizuho Securities Asia, dự báo CPI nước này năm nay cũng sẽ chỉ đạt khoảng 0,2%. "Trung Quốc có thể phải đối mặt với áp lực giảm phát dài hạn do nhu cầu trong nước có thể không thể đáp ứng được công suất nhàn rỗi", bà nói.
Đối với ông Powell, điều quan trọng là biết đến điểm mà việc thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức trở thành mối đe dọa lớn đối với các nền kinh tế đang phát triển, gồm cả Trung Quốc. Năm 1997, hành động của Fed đã làm ảnh hưởng đến toàn bộ tình hình ở châu Á. USD tăng giá sau chu kỳ thắt chặt quyết liệt của Fed giai đoạn 1994-1995 đã làm xáo trộn khu vực này.
Vẫn chưa rõ Fed sẽ quyết định thế nào. Thông tin mới nhất từ ông Powell là sẽ tiến hành "cẩn thận". Một số thống đốc Fed như Michelle Bowman cho rằng cần phải tăng lãi suất thêm một lần nữa để đảm bảo lạm phát trở về mục tiêu 2%.
Nhưng việc đẩy Trung Quốc vào tình trạng khó khăn hơn có thể gây tác động ngược lại với Mỹ và thế giới. Theo mô hình tính toán của E&Y, nếu tăng trưởng GDP của Trung Quốc bất ngờ giảm một điểm phần trăm dưới mức cơ sở vào năm 2023 và 2024, dòng chảy thương mại, đầu tư yếu hơn, cùng với các điều kiện tài chính thắt chặt hơn sẽ làm giảm 0,3 điểm % với GDP Mỹ và 0,5 điểm % với GDP toàn cầu.
Lần hạ cánh cứng (kinh tế suy thoái nhanh và đột ngột) ở Trung Quốc năm 2015 - 2016 từng cho thấy sự nhạy cảm của thị trường tài chính toàn cầu trước những diễn biến tiêu cực của nền kinh tế này, theo E&Y.
Vào thời điểm đó, những lo ngại rằng nền kinh tế Trung Quốc bước vào vòng xoáy đi xuống đã làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu, dẫn đến chứng khoán Mỹ sụt giảm đáng kể. Khẩu vị chấp nhận rủi ro, giá hàng hóa và lãi suất trái phiếu chính phủ dài hạn cũng giảm.
nguồn : vnexpress.net