Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý II ước đạt 4,14%, chỉ cao hơn cùng kỳ năm 2020 - giai đoạn đầu khi đại dịch xuất hiện.
Sáng nay, Tổng cục Thống kê họp báo về tình hình kinh tế nửa đầu năm. Theo đó, GDP quý II ước tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước. Xét trong giai đoạn 2011-2023, kết quả này chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý II/2020, giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 3,72%.
Theo cơ quan thống kê, trong nửa đầu 2023, khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn trong bối cảnh chung của kinh tế thế giới. Theo đó, giá trị tăng thêm của toàn ngành này 6 tháng qua tăng 0,44% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023.
Lực đỡ cho nền kinh tế hiện nằm ở khu vực dịch vụ. Nhờ các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được đẩy mạnh đã góp phần duy trì tăng trưởng của khu vực này. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm 2023 tăng 6,33% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,18% và 4,53% của cùng kỳ các năm 2020 và năm 2021.
Về xuất nhập khẩu, trong nửa năm, tổng kim ngạch đạt 316,65 tỷ USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt hơn 164,4 tỷ USD giảm 12,1%; nhập khẩu 152,2 tỷ USD, giảm 18,2%. Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm 2023 ước tính xuất siêu 12,25 tỷ USD.
Ngoài ra, kim ngạch xuất nhập khẩu dịch vụ ước đạt 8,8 tỷ USD, tăng 99,5% so với cùng kỳ năm 2022; Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 12,9 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm. Trong 6 tháng, Việt Nam nhập siêu dịch vụ 4,1 tỷ USD.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,27% so với tháng trước và tăng 2% so với cùng kỳ năm trước do giá thực phẩm, chi phí dùng điện sinh hoạt tăng vì nắng nóng kéo dài và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước. Còn lạm phát cơ bản tăng 4,74%, cao hơn mức CPI bình quân chung.
nguồn : vnexpress.net