Doanh nghiệp châu Á đối mặt nguy cơ thuế xuất khẩu cao hơn và giảm hấp dẫn đầu tư vào pin, xe điện trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump.
Xuất khẩu sang Mỹ
Sáu năm trước, ông Trump tự nhận là "người đàn ông thuế quan" (Tariff Man). Trong chiến dịch tranh cử năm nay, ông đề xuất mức thuế 10% với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ. Vì vậy, chính sách này có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu ở châu Á.
Theo tổ chức Hinrich (Singapore), 10 thành viên của ASEAN có tỷ lệ thương mại trên tổng sản phẩm quốc nội (trade-to-GDP ratio) là 90%, gấp đôi trung bình toàn cầu. Tỷ lệ này ở các nền kinh tế Đông Á mới nổi cao hơn, đạt 105%, theo Viện Brookings (Washington DC). Tỷ lệ thương mại trên GDP là chỉ số đo lường mức phụ thuộc vào thương mại quốc tế của một nền kinh tế.
"Chúng ta có thể dự đoán động thái chuyển hướng chính sách sang bảo hộ nhiều hơn của Mỹ, điều không có lợi cho châu Á. Bởi hầu hết các nền kinh tế khu vực này phụ thuộc nhiều vào nhu cầu bên ngoài, đặc biệt từ Mỹ", Nick Marro, kinh tế trưởng châu Á tại Economist Intelligence Unit nói với Al Jazeera.
Tổng thống đắc cử Donald Trump tại sự kiện đêm bầu cử ở West Palm Beach, bang Florida ngày 6/11. Ảnh: AP
Alex Holmes, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Economist Intelligence trấn an rằng hầu hết các thị trường và nhà hoạch định chính sách đều đặt giả định ông Trump sẽ không áp đặt toàn bộ thuế quan đã đề xuất.
Tuy nhiên, với tiền lệ khó đoán của ông, giới chuyên gia cho rằng các nước châu Á có thể cân nhắc các biện pháp để giảm thiểu tác động trước các cú sốc thuế quan. Ngoài ra, đồng minh của Mỹ trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines sẽ phải chú ý đến các tác động dây chuyền từ thuế quan của Mỹ với Trung Quốc. Bởi đây là quốc gia láng giềng và đối tác thương mại lớn nhất của họ, theo nhà khoa học chính trị Chong Ja Ian từ Đại học Quốc gia Singapore.
Đầu tư bán dẫn
Các nhà sản xuất chip châu Á, dẫn đầu là TSMC và Samsung Electronics đã công bố đầu tư ít nhất 117 tỷ USD vào Mỹ, được thúc đẩy bởi sáng kiến theo đạo luật CHIPS của chính quyền Biden. Đổi lại, họ đã nhận hoặc được hứa hẹn các khoản trợ cấp, hỗ trợ tài chính lên tới ít nhất 18,85 tỷ USD, theo tính toán của Reuters.
Vào tháng 4, chi nhánh của TSMC tại Mỹ được trợ cấp sơ bộ 6,6 tỷ USD cho việc sản xuất chip tiên tiến tại Phoenix, Arizona. Tuần này, Bộ Thương mại Mỹ thông báo có ít nhất 3 công ty sắp nhận khoản trợ cấp mới, gồm TSMC.
Ông Trump từng phát biểu trong chiến dịch tranh cử rằng Đài Loan (Trung Quốc) lấy mất thị phần của các công ty bán dẫn Mỹ. Ông từng mô tả đạo luật CHIPS là "quá tệ" và không cần chi hàng tỷ USD cho các công ty giàu có. "Bạn không cần bỏ ra xu nào mà có thể làm điều đó bằng cách áp thuế rất cao, khiến các công ty tự đến xây dựng các nhà máy chip không cần trợ cấp", ông nói.
Hiện chưa rõ liệu Trump có hủy bỏ đạo luật CHIPS hay không. Sau khi ông đắc cử, công ty chuyên sản xuất tấm bán dẫn silicon GlobalWafers (Đài Loan, Trung Quốc) cho biết họ vẫn kỳ vọng chương trình trợ cấp sẽ được duy trì.
Sản xuất xe điện và pin
Trump đe dọa áp thuế 200% lên một số ôtô nhập khẩu, đặc biệt quyết tâm ngăn cản xe từ Mexico thâm nhập. Do đó, thuế này sẽ ảnh hưởng đến nhiều hãng xe châu Á bao gồm Honda, Nissan và Kia.
Giám đốc điều hành Honda Shinji Aoyama cảnh báo sẽ có tác động lớn vì 80% sản lượng xe họ nhập vào Mỹ đến từ Mexico. Vì vậy, nếu ông Trump triển khai ý định và duy trì lâu dài, Honda phải cân nhắc chuyển sản xuất sang Mỹ hoặc một quốc gia không chịu thuế.
Các nhà sản xuất Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đầu tư nhiều nhà máy pin xe điện tại Mỹ. Kể từ năm 2023, LG Energy Solution và SK On đã nhận được ưu đãi 1,9 triệu USD từ nước này cho việc sản xuất pin tại đây, theo tính toán của Reuters. Giờ họ đối diện kịch bản tổng thống mới có thể bỏ chính sách năng lượng sạch và nới lỏng các quy định về khí thải.
Theo Reuters, các nhà máy pin này sẽ lỗ nếu mất ưu đãi. Ngoài ra, trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng nói loại bỏ khoản ưu đãi thuế 7.500 USD cho người mua xe điện, có thể ảnh hưởng đến tiêu thụ loại phương tiện này.
Tuy nhiên, các hạn chế của Mỹ với pin Trung Quốc có thể tiếp tục hoặc thậm chí thắt chặt hơn dưới nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump. Do đó, chính sách này lại có lợi cho các nhà sản xuất Hàn Quốc.
Các công ty Trung Quốc
Các doanh nghiệp Trung Quốc đang chờ xem liệu ông Trump có thực hiện lời đe dọa áp thuế 60% hoặc hơn với hàng nhập khẩu từ nước này hay không. Nếu tiến hành, đó là khởi động lại cuộc chiến thương mại từng diễn ra trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông giai đoạn 2017-2021.
Khi ấy, thương chiến đã ảnh hưởng đến nhiều ngành, với hơn 200 tỷ USD hàng hóa bị áp thuế. Chính quyền Biden vẫn duy trì hầu hết các mức thuế này. Trước khi ông Trump tái đắc cử, một số nhà xuất khẩu Trung Quốc đã lên kế hoạch ứng phó bằng cách tăng tốc chuyển dịch nhà máy ra nước ngoài.
Vài công ty Trung Quốc cũng ảnh hưởng bởi các lệnh kiểm soát xuất khẩu của chính quyền Trump với lý do an ninh quốc gia. Đơn cử, Huawei bị cấm mua chip cao cấp, làm tổn hại đến mảng kinh doanh điện thoại thông minh của họ.
Nazak Nikakhtar, cựu quan chức Bộ Thương mại dưới thời Trump cho rằng nhiệm kỳ thứ hai của ông sẽ quyết liệt hơn nhiều trong các chính sách kiểm soát xuất khẩu với Trung Quốc.
Ngoài ra, các hãng công nghệ khác như ByteDance, Tencent với các ứng dụng TikTok và WeChat của họ cũng bị đe dọa cấm hoạt động tại Mỹ. Tuy nhiên, một số CEO công nghệ Trung Quốc lại đánh cược rằng cách tiếp cận quyết liệt của Trump có thể có lợi cho họ. Bởi những nỗ lực của Mỹ nhằm làm chậm tiến bộ công nghệ của Trung Quốc có thể không đạt được sự ủng hộ quốc tế.
Nguồn: vnexpress.net