Gần đến Tết Nguyên Đán, các món đồ như trang sức vàng hay decal dán điện thoại hình rồng tại Trung Quốc đang bán rất chạy.
Số liệu của sàn thương mại điện tử Taobao (Trung Quốc) cho thấy số lượt tìm kiếm các sản phẩm liên quan đến rồng trên nền tảng này đã tăng 640 lần giai đoạn 27/12 - 2/1. Trong đó, lượt tìm trang sức vàng có hình rồng tăng tới 500 lần.
"Rồng được coi là biểu tượng cho quyền lực và địa vị trong văn hóa Trung Quốc. Còn vàng vừa là trang sức, vừa là công cụ cất trữ tài sản, thường được mua mỗi dịp Tết Nguyên đán. Vì vậy, rất nhiều người mua trang sức vàng hình rồng, để cầu may mắn trong năm mới", Xie Zhihui - Phó giám đốc phụ trách kinh doanh tại Chow Tai Seng - một thương hiệu vàng niêm yết trên sàn chứng khoán Thâm Quyến cho biết trên China Daily.
Trang sức in hình rồng tại một cửa hàng ở Giang Tô (Trung Quốc). Ảnh: China Daily
Kênh thương mại điện tử của Chow Tai Seng ghi nhận doanh số trang sức chủ đề rồng tăng vọt trong tháng 11/2023. Tổng cộng, họ thu về hơn 10 triệu nhân dân tệ (1,4 triệu USD) - gần gấp đôi doanh số tháng trước đó. Việc kinh doanh tiếp tục đi lên trong tháng 12, chạm 5 triệu nhân dân tệ trong tuần đầu năm 2024.
Dây chuyền có mặt hình rồng - sản phẩm vừa ra mắt của thương hiệu này - nhanh chóng trở thành loại bán chạy nhất. Chỉ trong tháng 12, họ bán được hơn 1 triệu nhân dân tệ.
Xie cho biết ngược với quan niệm vàng chỉ hấp dẫn người lớn tuổi, các số liệu của công ty họ cho thấy phần lớn người mua là người trẻ, sinh sau năm 2000. Doanh số bán trang sức chủ đề rồng được dự báo sôi động trong suốt năm nay, với tổng doanh số vượt xa các năm khác.
Ngoài trang sức vàng, việc kinh doanh các sản phẩm truyền thống khác liên quan đến rồng cũng sẽ mang lại cơ hội cho nhiều doanh nghiệp, Hong Yong - nhà nghiên cứu tại Viện Ngoại thương và Hợp tác Kinh tế Trung Quốc cho biết.
"Doanh số các sản phẩm liên quan đến rồng tăng cao so với các con giáp khác, do quan niệm tôn sùng của người Trung Quốc với rồng. Để tận dụng tiềm năng này, các công ty cần sáng tạo về sản phẩm, áp dụng marketing số và cá nhân hóa dịch vụ", Hong cho biết.
Đồ trang trí xe, decal dán điện thoại, sản phẩm thêu tay và nhiều mặt hàng truyền thống khác có trang trí hình rồng cũng ghi nhận doanh số gần đây tăng vọt.
Cơn sốt mua sắm cũng lan sang các nhà sưu tầm. Số liệu từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cho thấy các tờ tiền lưu niệm in hình rồng đã được đặt mua hết từ ngày 4/1. Tổng cộng 99,98 triệu tờ đã được đặt mua từ người dân 32 tỉnh thành nước này.
Các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu cũng đang tận dụng trào lưu trên. Hãng mỹ phẩm Shu Uemura (Nhật Bản) ra mắt loại son phiên bản giới hạn với vỏ in hình rồng vàng. Fila ra mắt loại áo chui đầu thêu hình rồng. Shanghai Disney Resort cũng tung ra loại đồ chơi bằng vải nhung hình rồng.
Su Anke - nhà sáng lập công ty marketing Shenzhen Yiben Zhengjing Culture and Creativity cho biết nhiều thương hiệu đã tăng tốc phát triển sản phẩm, để tận dụng nhu cầu mua đồ hình rồng. Công ty của Su hiện chịu trách nhiệm làm sản phẩm ăn theo series phim hài Dragon Family nổi tiếng về gia đình rồng.
Các sản phẩm này hiện bày bán tại hơn 3.000 cửa hàng của Trung Quốc. Họ cũng mới mở gian hàng chính thức trên Taobao tháng này. "Kiểu sản phẩm này cần phải làm thật nhanh để tận dụng trào lưu và được nhiều người tiêu dùng đón nhận", Su kết luận.
nguồn : vnexpress.net