Các doanh nghiệp đề xuất những người làm chính sách tiếp cận gần hơn với họ khi xây dựng điều kiện, thủ tục gói cứu trợ thay vì "ngồi phòng máy lạnh".
Từ khi Covid-19 bùng phát đến hết năm 2020, đã có 95 văn bản được ban hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân với 4 gói chính sách lớn nhất gồm 250.000 tỷ đồng hỗ trợ tín dụng, 180.000 tỷ hỗ trợ giãn hoãn nộp thuế, 16.000 tỷ cho vay lãi suất 0% và gói 62.000 tỷ hỗ trợ an sinh xã hội.
Tuy nhiên, các hiệp hội doanh nghiệp Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang đều đánh giá hiệu quả chính sách hỗ trợ lần đầu tiên không như mong đợi do điều kiện, thủ tục phức tạp, làm nản lòng nhiều doanh nghiệp.
Chia sẻ tại hội thảo gần đây, nguyên Phó viện trưởng chiến lược ngân hàng Phạm Xuân Hoè, cho rằng cần làm mới tư duy của người làm chính sách để tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp trong trạng thái bình thường mới.
Bởi vậy, gói chính sách lần thứ hai cần đúng, trúng và kịp thời hơn các chính sách hỗ trợ lần đầu. "Làm chính sách mà cứ ngồi phòng máy lạnh thì không bao giờ đi vào cuộc sống. Những người làm chính sách cần tiếp cận gần hơn với doanh nghiệp", ông Hoè nói.
Như gói 16.000 tỷ đồng cho vay lãi suất 0% hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động, ban hành rồi sửa đổi nhưng vẫn xa rời thực tế. Ngoài quy định giảm doanh thu, điều kiện đặt ra để được vay gói này là doanh nghiệp có người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, phải ngừng việc từ một tháng liên tục trở lên.
"Tôi đề nghị những người đặt ra điều kiện này cần điều tra, khảo sát lại trực tiếp với doanh nghiệp. Đạo lý lớn nhất của một người làm chủ doanh nghiệp là không để nhân viên nghỉ liên tục quá một tuần. Điều kiện đặt ra là cho nhân viên nghỉ liên tục tới một tháng không có một chút thực tế nào", ông Hoè nói. Cùng với việc thay đổi điều kiện tiếp cận gói, ông đề nghị kéo dài gói 16.000 tỷ cho vay lãi suất 0% để hỗ trợ trả lương người lao động.
Ông Phạm Xuân Hoè chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: VCCI.
Bên cạnh đó, chuyên gia ngân hàng này mong rằng Ngân hàng Nhà nước cần rà soát, chỉ đạo để giảm lãi suất tiền vay nhanh hơn nữa. Quốc hội hiện nay ấn định chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra ngân hàng một năm không quá 4%. Ông đề nghị đưa mức này xuống 3,3-3,5% để tạo điều kiện giảm lãi vay cho doanh nghiệp.
Tại hội thảo, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cũng kiến nghị tiếp tục cơ cấu lại thời gian trả nợ, giảm lãi suất cho vay từ 1,5-2% cho tất cả gói vay, giảm phí với khách hàng là người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh.
Với gói hỗ trợ lần hai, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% về 8% trong 3-5 năm nhằm tăng vốn tích lũy doanh nghiệp để tái đầu tư sau đại dịch. Bên cạnh đó, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp về mức 13-15%, giảm tiền thuê đất trong hai năm.
Ông Nguyễn Xuân Tốt, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thái Nguyên chia sẻ, doanh nghiệp giảm doanh thu, thậm chí không có lợi nhuận, nên việc giãn hoãn nộp thuế gần như không có ý nghĩa. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp muốn nhưng không được hưởng chính sách giãn, hoãn nộp bảo hiểm xã hội do không thể nào đáp ứng điều kiện 50% lao động nghỉ luân phiên.
Các chính sách hỗ trợ về thuế hiện nay, theo bà Vũ Thị An, Giám đốc công ty tư vấn thuế C&A kịp thời nhanh nhạy nhưng còn rất khiêm tốn do chủ yếu là giãn và gia hạn. Nhưng điều này theo bà cần phải thấu hiểu do tiềm lực tài chính quốc gia còn hạn chế, hằng năm số thu không đủ chi, khiến các gói hỗ trợ về thuế chủ yếu mang tính tâm lý động viên.
Bà Vũ Thị An, Giám đốc công ty tư vấn thuế C&A. Ảnh: VCCI.
Bà cho rằng với thực tế của Việt Nam, doanh nghiệp cũng không nên kỳ vọng nhiều vào các chính sách miễn giảm thuế. Những loại hình nào bị ảnh hưởng nhiều nhất (bất kể doanh thu lớn hay thấp) phải được phân loại và có chính sách riêng. Không nên phân biệt doanh thu để hỗ trợ mà cần xét dựa trên loại hình doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Chưa nói đến các gói hỗ trợ, điều mà nhiều doanh nghiệp mong muốn theo bà An là các nhà chính sách "thương và tin doanh nghiệp hơn" trong bối cảnh khó khăn. "Cái thương và cái tin thể hiện qua việc giảm các cuộc thanh kiểm tra thường xuyên để doanh nghiệp còn có đầu óc tập trung kinh doanh. Nay một cuộc mai một cuộc, tốn nhiều thời gian vô cùng", bà An nói.
Đồng tình với quan điểm bà An, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cũng đề xuất dừng các cuộc thanh tra, kiểm tra với doanh nghiệp chịu thiệt hại từ đại dịch Covid-19, chỉ thanh tra khi có dấu hiệu vi phạm.
Bên cạnh đó, hiệp hội doanh nghiệp này cũng đề nghị Tổng liên đoàn Lao động miễn 2% kinh phí công đoàn cho doanh nghiệp trong thời gian dịch bệnh. Các doanh nghiệp cũng mong muốn được tiếp tục giãn nợ bảo hiểm xã hội và không tính tiền chậm nộp cho các doanh nghiệp gặp khó khăn.
nguồn : vnexpress.net