Lạm phát, rủi ro nguồn cung trong nước và lệnh cấm vận công nghệ, dầu mỏ được ví với ngọn lửa âm ỉ khiến kinh tế Nga dần sa sút.
6 tháng sau chiến dịch quân sự tại Ukraine, kinh tế Nga không rơi vào suy thoái sâu như dự báo. "Tôi lái xe khắp Moskva và đường vẫn đông nghẹt như trước đây", Andrey Nechaev - cựu Bộ trưởng Kinh tế Nga thập niên 90 cho biết.
Việc Trung Quốc và Ấn Độ sẵn sàng mua dầu Nga giá rẻ đã góp phần nào vào việc này. Tuy nhiên, Nechaev và nhiều nhà phân tích khác vẫn cho rằng kinh tế Nga đã bắt đầu sa sút và có thể đối mặt với tình trạng lạm phát cao kèm tăng trưởng chậm (stagflation) kéo dài, do các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Nếu chỉ nhìn bề mặt, người ta sẽ thấy có rất ít sự thay đổi, trừ một vài cửa hàng của các thương hiệu phương Tây trước đây giờ bị bỏ trống. Chuỗi đồ ăn nhanh McDonald’s giờ có tên Vkusno & tochka. Các cửa hàng của Starbucks cũng đang dần mở cửa lại dưới cái tên Stars Coffee.
Người Nga dùng bữa trong cửa hàng Vkusno & tochka. Ảnh: Reuters
Việc các thương hiệu phương Tây rời đi và các nước trừng phạt ngành năng lượng, tài chính của Nga vẫn có tác động lên nền kinh tế này, nhưng không phải theo cách mà nhiều người dự báo. Nechaev - người đã chứng kiến nhiều thời kỳ biến động kinh tế của Nga và đã lèo lái nước này trong thời kỳ chuyển dịch sang nền kinh tế thị trường, cho biết một phần thành công là nhờ ngân hàng trung ương.
Đồng ruble đã xuống thấp kỷ lục so với USD đầu năm nay, sau khi phương Tây đóng băng gần nửa dự trữ ngoại hối của Nga ở nước ngoài. Tuy nhiên, đồng tiền này đã bật tăng trở lại, hiện ở mức cao nhất 4 năm so với USD.
Kết quả này một phần nhờ chính sách kiểm soát vốn chặt chẽ và tăng lãi suất hồi đầu năm. Các chính sách này giờ đã được gỡ bỏ gần hết. Lãi suất hiện thấp hơn trước chiến sự. Lạm phát từng chạm đỉnh 18% hồi tháng 4, thì giờ đã chậm lại và được ngân hàng trung ương dự báo vào khoảng 12% - 15% năm nay.
Cơ quan này cũng điều chỉnh dự báo GDP Nga năm nay. Theo đó, nền kinh tế này được kỳ vọng chỉ co lại 4% - 6%. Hồi tháng 4, mức dự báo là giảm 8% - 10%. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng mức giảm là 6%.
Trước đó, Điện Kremlin đã có 8 năm chuẩn bị, sau khi bị phương Tây trừng phạt vì sáp nhập Crimea năm 2014. "Việc Mastercard hay Visa rời đi không có ảnh hưởng đến thanh toán nội địa. Vì ngân hàng trung ương đã phát triển hệ thống riêng rồi", Nechaev cho biết. Nga đã ra mắt thẻ tín dụng Mir và hệ thống xử lý giao dịch riêng từ năm 2017.
Bên cạnh đó, kể từ năm 2014, nhiều thương hiệu nước ngoài tại Nga đã chịu sức ép từ chính phủ rằng phải nội địa hóa một phần hoặc toàn bộ chuỗi cung ứng. Vì vậy, khi các doanh nghiệp này rời đi, người Nga rất dễ dàng mua lại và vận hành, chỉ cần thay đổi bao bì và thương hiệu.
"Vẫn là những người đó, vẫn là những sản phẩm đó và chuỗi cung ứng đó", Chris Weafer - nhà sáng lập Macro Advisory cho biết.
Dù vậy, việc này không đồng nghĩa họ không gặp vấn đề. Giữa tháng 7, các cửa hàng thay thế McDonald’s thiếu khoai tây. Nguyên nhân là vụ mùa tại Nga thất thu và các nhà cung cấp nước ngoài cũng không thể bán sang đây vì lệnh trừng phạt.
Đồ ăn nhanh chỉ là một chuyện. Vấn đề lớn hơn là khả năng chống chịu của Nga trong thời gian dài sẽ phụ thuộc vào lĩnh vực năng lượng. Đây hiện là nguồn thu lớn nhất của chính phủ Nga.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết nguồn thu của Nga từ bán dầu mỏ, khí đốt sang châu Âu đã tăng gấp đôi trong giai đoạn tháng 3 - 7 năm nay so với trung bình các năm gần đây, bất chấp số lượng giảm. Dữ liệu của IEA cho thấy lượng khí đốt xuất sang châu Âu giảm 75% trong 12 tháng qua.
Báo cáo hồi tháng 3 của IEA cho rằng 3 triệu thùng dầu Nga sẽ biến mất khỏi thị trường mỗi ngày kể từ tháng 4. Tuy nhiên, cảnh báo này đã không thành hiện thực, do Nga tìm được khách mua mới tại châu Á.
Theo Houmayoun Falakshali từ hãng tư vấn Kpler, sau khi xung đột nổ ra, phần lớn dầu Nga xuất khẩu bằng đường biển là sang châu Á. Hồi tháng 7, tỷ lệ này là 75%, cao hơn so với 37% cùng kỳ năm ngoái.
Giai đoạn tháng 1-7 năm nay, Trung Quốc tăng nhập khẩu dầu Urals giá rẻ của Nga thêm 40% so với năm ngoái, theo Kpler. Mức tăng này của Ấn Độ còn lên tới hơn 1.700%. Nga cũng tăng xuất khí đốt sang Trung Quốc thông qua đường ống tại Siberia.
Tuy nhiên, lệnh cấm nhập dầu Nga của châu Âu sẽ có hiệu lực tháng 12 này. Khoảng 2 triệu thùng dầu Nga mỗi này được cho là sẽ xếp xó. Một phần số này có thể xuất sang châu Á. Nhưng các chuyên gia cho rằng nhu cầu của khu vực này không đủ lớn để hấp thụ hoàn toàn.
Falakshali nói rằng Trung Quốc không thể mua thêm dầu Nga nữa, vì nhu cầu trong nước không mạnh, và nước này cũng cần nhiều loại dầu khác. Giá cả cũng đóng vai trò lớn. Giới phân tích đang quan sát liệu Nga có thể tiếp tục giảm giá để giữ thị trường hay không.
"Giảm 30% khi giá 120 USD một thùng là một chuyện", Nechaev cho biết, "Nhưng giảm 30% của 70 USD lại là chuyện khác".
Dù lạm phát toàn cầu đang giúp lĩnh vực năng lượng của Nga, nó lại khiến người dân thiệt hại. Cũng như các nước châu Âu, Nga đã rơi vào khủng hoảng chi phí giá sinh hoạt từ trước đó. Việc này càng trầm trọng hơn sau xung đột tại Ukraine.
Điều này đang khiến Nechaev lo lắng. "Nếu nói về chuẩn mực sống, đo bằng thu nhập thực, chúng tôi đã bị kéo lùi khoảng 10 năm", ông cho biết.
Chính phủ Nga đang tăng chi tiêu để đối phó với tình trạng này. Hồi tháng 5, họ thông báo sẽ tăng lương hưu và lương tối thiểu thêm 10%.
Họ cũng thiết lập một hệ thống cho phép nhân viên các công ty "đang dừng hoạt động" tạm chuyển sang một công ty khác mà không phải phá vỡ hợp đồng lao động cũ. Họ cũng đang chi 17 tỷ ruble (280 triệu USD) để mua trái phiếu các hãng bay trong nước chịu tác động từ lệnh cấm bay của phương Tây và không được bảo trì, cung cấp linh kiện từ doanh nghiệp nước ngoài.
Những lệnh trừng phạt về công nghệ này có thể gây tác động toàn diện đến triển vọng kinh tế dài hạn của Nga. Hồi tháng 6, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết xuất khẩu sản phẩm bán dẫn của toàn cầu sang Nga đã giảm 90% kể từ đầu xung đột. Việc này là đòn giáng lên sản xuất của mọi mặt hàng, từ xe hơi đến máy tính. Giới chuyên gia cho rằng nó sẽ càng khiến Nga tụt lại trong cuộc đua công nghệ toàn cầu.
"Các lệnh trừng phạt sẽ giống một ngọn lửa âm ỉ cháy, hơn là bùng lên nhanh chóng", Weafer cho biết, "Nga có thể rơi vào tình trạng stagflation trong thời gian dài". Nechaev thì chắc chắn hơn khi nói rằng hiện tại "nền kinh tế đã bắt đầu sa sút rồi".
nguồn : vnexpress.net