Việt Nam và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đã hoàn thành phần lớn nội dung, có thể ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) trong năm 2024.
Sáng 3/12, tại cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Quốc vụ khanh phụ trách Thương mại quốc tế, Bộ Kinh tế UAE, cho biết việc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) vừa đạt những bước tiến đột phá. Ông hoan nghênh kết quả đàm phán này trong thời gian rất ngắn.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong các cuộc gặp, Tổng thống UAE khẳng định không có hạn chế với hàng hóa Việt Nam vào UAE và khuyến khích tối đa đầu tư của UAE vào Việt Nam. Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất mong muốn hợp tác lập Trung tâm nghiên cứu của Microsoft tại Việt Nam.
Việt Nam có nhiều kinh nghiệm đàm phán sau khi tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) với 60 quốc gia, vùng lãnh thổ. Thủ tướng đề nghị hai bên thúc đẩy, sớm hoàn thành đàm phán hiệp định CEPA "với cách làm linh hoạt, thực tiễn, kịp thời tháo gỡ các vấn đề phát sinh".
Thủ tướng cho biết Việt Nam đang xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư với lĩnh vực mới nổi, công nghệ cao mà doanh nghiệp UAE quan tâm. Theo ông, cùng với các quy định hiện hành, CEPA và chính sách ưu đãi khi có hiệu lực sẽ là nền tảng quan trọng để các doanh nghiệp triển khai các dự án hợp tác cụ thể.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng gợi ý một số định hướng như phát triển các đô thị cảng biển thay vì cảng biển đơn thuần; các quỹ đầu tư UAE có thể tham gia ngay vào việc phát triển các trung tâm tài chính của Việt Nam...
Thủ tướng Phạm Minh Chính (bìa phải) tiếp Quốc vụ khanh phụ trách Thương mại quốc tế, Bộ Kinh tế UAE, ông Thani bin Ahmed Al Zeyoudi. Ảnh: Nhật Bắc
Cũng tại cuộc tiếp, lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp UAE bày tỏ rất trông đợi Hiệp định CEPA được ký kết để thúc đẩy, hợp tác, đầu tư với Việt Nam trong các lĩnh vực hạ tầng, cảng biển, chuyển đổi số, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi, xây dựng trung tâm tài chính tại TP HCM, y tế, nông nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Thani bin Ahmed Al Zeyoudi đã chứng kiến các biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Cảng Abu Dhabi và Cục Hàng hải Việt Nam, giữa tập đoàn công nghệ số Sirius IHC và Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông).
Trước đó, gặp Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Ajay Banga chiều 2/12, Thủ tướng thống nhất đẩy nhanh tiến độ các dự án hiện có, đồng thời thúc đẩy các dự án chiến lược quy mô lớn.
Một số dự án thế hệ mới tiềm năng trong khuôn khổ khoản vay 5-7 tỷ USD của WB cho Việt Nam trong 3 năm tới gồm: Thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo (REACH); trồng một triệu ha lúa năng suất cao, phát thải thấp; đường sắt cao tốc Hà Nội - Hòa Lạc; đầu tư cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Thủ tướng đề nghị WB thành lập một Trung tâm khu vực đặt văn phòng tại Việt Nam, khẳng định tạo điều kiện tốt nhất để văn phòng vùng vận hành các dự án tại Việt Nam và các nước trong khu vực.
Chủ tịch WB đề xuất Việt Nam nghiên cứu tham gia thị trường tín chỉ carbon toàn cầu và khẳng định sẵn sàng ủng hộ Việt Nam trong quá trình này.
nguồn : vnexpress.net