GS Phan Đăng Tuất cho biết đang có làn sóng đổ bộ công nghiệp hỗ trợ của Trung Quốc vào Việt Nam để né thuế và cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Thực tế này được GS Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nêu tại Hội nghị tổng kết ngành Công Thương, ngày 20/12.
Theo ông Tuất, 2023 là năm khó khăn với nhiều ngành sản xuất, trong đó có công nghiệp hỗ trợ (gồm công nghiệp sản xuất nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng để cung cấp cho sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh). Đơn hàng sụt giảm tại nhiều thị trường chính như châu Âu, khiến doanh thu bình quân của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ giảm 40%.
Là doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô lớn trong nước, ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc Thaco cho hay tập đoàn này cũng không tránh khỏi doanh thu giảm do cầu thị trường yếu và cạnh tranh của đối thủ. Lĩnh vực cơ khí, công nghiệp hỗ trợ của Thaco, ước tính giảm 20% so với 2022, đạt gần 8.700 tỷ đồng.
Mặt khác, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang chứng kiến làn sóng đổ bộ của các công ty Trung Quốc với quy mô cực lớn, cực nhanh. Họ hình thành các chuỗi sản xuất cụm chi tiết xuất sang châu Âu, Bắc Mỹ để tránh hàng rào thuế quan của Mỹ khi đầu tư ở Việt Nam.
"Đây là nỗi lo của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước", ông Tuất nói.
GS Phan Đăng Tuất , Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành Công Thương, ngày 20/12. Ảnh: Dũng Nguyễn
Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước gặp hai nút thắt lớn về vốn, chi phí. Ông phân tích, hiện lãi suất vay vốn với nhiều công ty công nghiệp phụ trợ là 10-12%, gấp 5 lần Hàn Quốc. Cùng đó, chi phí nhập nguyên vật liệu của công ty trong nước cũng cao hơn do quy mô sản xuất thấp.
"Vốn vay của doanh nghiệp đắt gấp 4-5 lần, vật tư mua nhỏ lẻ đắt gấp 1,5 lần, nên doanh nghiệp ít có cơ hội cạnh tranh", Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, chia sẻ.
Đồng tình với GS Tuất, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà khi phát biểu chỉ đạo, cho rằng công nghiệp hiện nay chủ yếu đang phụ thuộc vào khối FDI.
"Không nên vội mừng khi doanh nghiệp trong nước vẫn chỉ gia công, giá trị gia tăng trong sản phẩm chưa cao. Đây là vấn đề lớn đặt ra với ngành Công Thương, các bộ ngành liên quan", ông nhận xét.
Phó thủ tướng nhìn nhận cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt hơn vào 2024, đòi hỏi doanh nghiệp trong nước cần chủ động để không nằm ngoài cuộc chơi, xu thế lớn của thời đại. Ông cũng lưu ý phát triển ngành cơ khí chế tạo phải dựa trên nhu cầu thị trường và công nghệ lõi, nền tảng, mang tính dẫn dắt.
"Muốn đi cùng các nước trên thế giới, chúng ta phải có tư tưởng đột phá, nắm bắt cơ hội và lựa chọn thuận lợi trong thách thức", lãnh đạo Chính phủ nêu.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành Công Thương, ngày 20/12. Ảnh: Dũng Nguyễn
Để công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển, Tổng giám đốc Thaco Phạm Văn Tài kiến nghị Bộ Công Thương có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ phù hợp thuế, phí để thúc đẩy sản xuất, sử dụng các dòng xe thân thiện môi trường.
Doanh nghiệp này cũng muốn Bộ Công Thương sớm hoàn thiện, đề xuất bổ sung Luật Công nghiệp trọng điểm vào chương trình xây dựng luật, pháp Luật, nhằm tạo hành lang pháp lý, thu hút đầu tư và thúc đẩy xây dựng nền công nghiệp tự chủ.
Ông Phan Đăng Tuấn cùng quan điểm, và nói thêm Bộ cần có chiến lược, coi công nghiệp hỗ trợ là "hạt nhân của quá trình công nghiệp hóa đất nước". Như vậy chiến lược phát triển đưa ra mới có tầm nhìn toàn diện. Thậm chí, cần có luật riêng về phát triển công nghiệp hỗ trợ với các chính sách ưu đãi, đặc thù, làm cơ sở thúc đẩy công nghiệp hóa.
Trước làn sóng đầu tư vào chip bán dẫn và Việt Nam đang được coi là điểm thu hút đầu tư lĩnh vực này, ông Tuất cho rằng, Bộ Công Thương cùng các bộ ngành dự báo chính xác hơn để doanh nghiệp tính toán phương án đầu tư, vay vốn, kết nối sản xuất.
Cùng đó, Bộ Công Thương mở rộng xúc tiến thị trường, có chính sách tạo liên kết sản xuất lớn, tức là làm các cụm chi tiết, thay vì từng chi tiết như hiện nay, để giúp doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
nguồn : vnexpress.net