58 nền kinh tế chiếm hơn 90% GDP toàn cầu đang gánh 13.000 tỷ USD tiền lãi vay, cao hơn nhiều trước đây, theo The Economist.
Thế giới mắc nợ càng nhiều thì càng nhạy cảm với việc tăng lãi suất. Sau những năm 2010 yên bình với lãi suất ổn định, quan chức các ngân hàng trung ương trên thế giới giờ bận rộn khi lạm phát tăng.
Để đánh giá tác động của việc vay mượn và lãi suất cao hơn, The Economist đã ước tính tổng số tiền lãi phải trả của các công ty, hộ gia đình và chính phủ trên 58 quốc gia phát triển và mới nổi, chiếm hơn 90% GDP toàn cầu.
Kết quả, trong quý I/2021, lãi suất chính sách của nhóm 58 nền kinh tế này mức trung bình là 2,6%. Đến quý IV/2022, nó đã lên 7,1%. Trong khi đó, tổng nợ đạt kỷ lục 300.000 tỷ USD, tương đương 345% tổng GDP, tăng từ 255.000 tỷ USD, tương đương 320% GDP hồi trước đại dịch.
Vào năm 2021, tổng tiền lãi cần trả của 58 nước trong khảo sát là 10.400 tỷ USD, tương đương 12% tổng GDP của nhóm. Đến 2022, con số này tăng lên mức 13.000 tỷ USD, tương đương 14,5% GDP.
Từ trái sang, các tờ tiền riyal (Arab Saudi), nhân dân tệ (Trung Quốc), lira Thổ Nhĩ Kỳ, bảng Anh, USD, euro và dinar (Jordan). Ảnh: Reuters
Con số này được tính dựa trên một số giả định. Trong thế giới thực, lãi suất cao hơn không đẩy chi phí trả nợ tăng lên ngay lập tức, ngoại trừ những khoản nợ có lãi suất thả nổi. Kỳ hạn trái phiếu chính phủ có xu hướng dao động từ 5 đến 10 năm; các doanh nghiệp và hộ gia đình thì thường vay trên cơ sở ngắn hạn hơn.
Vì vậy, The Economist giả định việc tăng lãi suất sẽ kéo dài trong 5 năm với nợ công và trong khoảng 2 năm với nợ của các hộ gia đình và công ty. Để dự đoán những gì có thể xảy ra trong vài năm tới, họ đưa ra thêm vài giả định.
Cụ thể, những người đi vay thường phản ứng với mức lãi suất cao hơn bằng cách trả bớt nợ để các khoản thanh toán lãi không vượt quá tầm kiểm soát. Tuy nhiên, nghiên cứu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế cho thấy, việc người đi vay cố gắng giảm quy mô khoản nợ không hoàn toàn tránh được chi phí vay cao hơn.
Do đó, The Economist giả định rằng thu nhập danh nghĩa sẽ tăng theo dự báo của IMF và tỷ lệ nợ trên GDP không đổi. Điều này có nghĩa là thâm hụt ngân sách hàng năm là 5% GDP, thấp hơn so với trước Covid-19.
Sau khi áp dụng các giả định, tạp chí này dự báo tổng tiền lãi phải trả của nhóm 58 nền kinh tế này sẽ tăng 17% GDP vào năm 2027, nếu lãi suất đi theo con đường được định giá vào thị trường trái phiếu chính phủ. Trong một kịch bản xấu hơn, khi thị trường đánh giá thấp mức độ thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương, thì tỷ lệ này có thể lên đến 20% GDP.
Con số như vậy sẽ rất lớn nhưng cũng từng có tiền lệ. Chi phí lãi vay ở Mỹ đã vượt quá 20% GDP trong đợt lạm phát những năm 1980, thời kỳ bùng nổ kinh tế những năm 1990 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009.
Tuy nhiên, mức độ tác động sẽ khác nhau giữa các ngành và các quốc gia. Ví dụ, chính phủ Ghana sẽ đối mặt với tổng nợ công hơn 6 lần thu ngân sách và lợi suất trái phiếu chính phủ là 75%. Điều này gần như chắc chắn buộc nhà nước phải thắt chặt chi tiêu.
The Economist xếp hạng các hộ gia đình, công ty và chính phủ của 58 quốc gia theo hai biến số: tỷ lệ nợ trên thu nhập và mức tăng của nó trong ba năm qua.
Với nợ hộ gia đình, các nước giàu có gồm Hà Lan, New Zealand và Thụy Điển nhạy cảm hơn với việc tăng lãi suất. Cả ba đều có mức nợ hộ gia đình gần gấp đôi thu nhập khả dụng và đã chứng kiến lợi suất trái phiếu chính phủ ngắn hạn tăng hơn 3 điểm phần trăm kể từ cuối năm 2019.
Tuy nhiên, các khoản vay thế chấp ở Hà Lan thường có lãi suất cố định dài hạn. Nghĩa là các hộ gia đình tại đây được cách ly khỏi lãi suất tăng cao hơn. Ngược lại, ở các nơi khác, lãi suất cố định chỉ áp dụng trong một giai đoạn ngắn.
Ở Thụy Điển, các khoản vay thế chấp có lãi suất thả nổi chiếm gần hai phần ba, dẫn đến các vấn đề về lãi suất tăng có thể phát sinh nhanh hơn. Ở các nền kinh tế mới nổi, dù tỷ lệ nợ trên thu nhập thấp hơn, do dữ liệu không đầy đủ bởi các hộ gia đình có thể vay từ nhiều nguồn khác không chính thức.
Với nợ doanh nghiệp, tại 33 trong số 39 quốc gia có dữ liệu, tỷ lệ nợ trên tổng lợi nhuận hoạt động của doanh nghiệp đã giảm trong năm qua. Ví dụ, tỷ lệ nợ trên thu nhập của doanh nghiệp Ấn Độ tương đối thấp và tăng ít.
Dù vậy, gánh nặng nợ nần và điều kiện tài chính thắt chặt có thể vẫn là quá sức với một số công ty. S&P Global cho biết tỷ lệ vỡ nợ với trái phiếu doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm thấp ở châu Âu đã tăng từ dưới 1% đầu năm lên hơn 2% vào cuối năm 2022. Các công ty Pháp có tỷ lệ nợ trên tổng lợi nhuận hoạt động cao hơn bất kỳ quốc gia nào ngoại trừ Luxembourg.
Cuối cùng và hậu quả nhất là nợ chính phủ. Daleep Singh Daleep Singh, nhà kinh tế trưởng của công ty quản lý tài sản PGIM cho biết một biến số quan trọng cần theo dõi là phần bù rủi ro với khoản nợ (khoản sinh lợi đòi hỏi để nắm giữ trái phiếu của một quốc gia và cao hơn lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ).
Chính phủ các nước giàu hầu hết đang làm tốt biện pháp này. Nhưng Italy vẫn có rủi ro vì chứng kiến lợi suất trái phiếu gia tăng cao nhất trong nhóm khảo sát. Khi Ngân hàng Trung ương châu Âu thắt chặt chính sách, họ đã ngừng mua trái phiếu chính phủ và sẽ bắt đầu thu hẹp bảng cân đối kế toán vào tháng 3. Điều này dẫn đến một cuộc khủng hoảng.
Các nền kinh tế mới nổi thì ngày càng có xu hướng vay mượn bằng nội tệ nên giảm được tác động. Nhưng các nước đang vật lộn với các khoản nợ nước ngoài có thể cần sự giúp đỡ. Argentina gần đây đã đạt thỏa thuận cứu trợ của IMF với điều kiện phải thắt lưng buộc bụng. Ghana cũng đang bắt tay vào thắt chặt tài chính và tiền tệ trong nỗ lực để nhận được hỗ trợ từ IMF.
Ngoài ra, số phận của một số chính phủ, hộ gia đình và doanh nghiệp còn phụ thuộc vào thiện chí của Trung Quốc. Mặc dù có mức nợ cao, Trung Quốc lại nằm gần cuối bảng xếp hạng chịu áp lực vì lãi suất ổn định.
Tuy nhiên, tầm quan trọng của quốc gia này với căng thẳng nợ toàn cầu ngày càng tăng. Họ hiện là người cho vay lớn nhất của các nước nghèo và nhận hai phần ba tiền trả nợ nước ngoài của các nước này, làm phức tạp thêm các nỗ lực giảm nợ.
nguồn : vnexpress.net