Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng can thiệp sớm với các biện pháp hỗ trợ như cho vay đặc biệt lãi suất 0% nhằm ngăn ngân hàng bị rút tiền hàng loạt.
Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) trình Quốc hội lần này bổ sung quy định tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước can thiệp sớm.
Theo đó, nhà băng thuộc trường hợp can thiệp sớm khi bị rút tiền hàng loạt dẫn tới mất khả năng chi trả, hoặc tổ chức tín dụng không duy trì được tỷ lệ chi trả và an toàn vốn lần lượt trong 3 và 6 tháng liên tục, có lỗ lũy kế lớn hơn 20% giá trị vốn điều lệ cùng các quỹ dự trữ. Một trong những biện pháp áp dụng với nhóm này là cho vay đặc biệt, không cần tài sản đảm bảo, lãi suất 0% một năm từ Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi và các nhà băng khác.
Thảo luận ngày 10/6, ông Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị làm rõ bị rút tiền hàng loạt ở mức độ nào thì cần có sự can thiệp của Ngân hàng nhà nước. Việc này để đảm bảo minh bạch, kịp thời, tránh rủi ro như sự việc rút tiền hàng loạt tại Ngân hàng Sài Gòn - SCB tháng 10 năm ngoái.
Giải trình sau đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay luật hiện hành có biện pháp can thiệp sớm nhưng thời hạn một năm, không có biện pháp hỗ trợ kèm theo nên bà Hồng nói thực tế khó triển khai. Chẳng hạn trường hợp của SCB, các tổ chức tín dụng khác muốn hỗ trợ, nhưng luật chưa quy định cụ thể nên "họ cũng không dám vì liên quan tới rủi ro các khoản cho vay".
"Ngân hàng bình thường, có thể có lý do nào đó vẫn có sự cố rút tiền hàng loạt, thì sẽ đưa vào quá trình can thiệp sớm. Còn trường hợp ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt là giai đoạn rất khó khăn rồi, không thực hiện giải pháp hỗ trợ sẽ khó đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng", bà lý giải.
Do đó, các biện pháp can thiệp sớm được đưa ra nhằm ngăn nguy cơ các ngân hàng bị rút tiền hàng loạt.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giải trình trước Quốc hội, ngày 10/6. Ảnh: Hoàng Phong
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng dẫn kinh nghiệm quốc tế, không phải chờ tổ chức tín dụng khó khăn thanh khoản mới xử lý. Như ngân hàng của Mỹ, có tổng tài sản trên 200 tỷ USD, nợ xấu thấp chỉ dưới 1%, có dự phòng rủi ro so với giá trị nợ xấu gấp 4-6 lần, song vẫn bị rủi ro rút tiền hàng loạt. Chỉ trong vài ngày, các ngân hàng này bị rút tới 100 tỷ USD, buộc phải nhận hỗ trợ từ ngân hàng Trung ương và khoản vay vài chục tỷ USD từ các nhà băng khác.
Theo đó, ở lần sửa đổi này, các biện pháp can thiệp sớm được thiết kế dựa trên thực tế vướng mắc trong tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, sự kiện rút tiền hàng loạt tại SCB và tham khảo kinh nghiệm từ đổ vỡ của các ngân hàng tại Mỹ vừa qua.
"Các quy định về can thiệp sớm được thiết kế theo hướng huy động nguồn lực hỗ trợ, tăng trách nhiệm của các ngân hàng với an toàn hệ thống, giảm chi phí tài chính trong xử lý sự cố của các tổ chức tín dụng", bà Hồng nói.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, quá trình hoạt động của các ngân hàng khó tránh khỏi giai đoạn gặp khó khăn. Trong quá trình thanh tra, giám sát, cơ quan quản lý sẽ cảnh báo rủi ro để họ chấn chỉnh kịp thời. Trường hợp diễn biến xấu, có nguy cơ mất khả năng chi trả cho người dân, mức độ quản lý, can thiệp sẽ mạnh hơn.
Nêu quan điểm trước đó, bà Phạm Thị Thanh Mai, Phó trưởng đoàn đại biểu TP Hà Nội cho rằng cần có thêm quy định về thời hạn can thiệp sớm và phương án tương ứng nếu ngân hàng không thể phục hồi sau thời hạn được đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.
"Các nhà băng áp dụng biện pháp can thiệp sớm, hàng quý báo cáo tình hình thực hiện phương án khắc phục, để đảm bảo tính cấp thiết, hiệu quả của việc can thiệp sớm", bà Mai nói.
Với khoản vay đặc biệt cho các ngân hàng có nguy cơ bị rút tiền hàng loạt, các đại biểu đề nghị quy định tổ chức tín dụng vay đặc biệt này phải khoanh nợ vay đến khi nào thu hồi nợ của khách hàng sẽ hoàn trả lại. Điều này nhằm đảm bảo công bằng với các nhà băng làm ăn hiệu quả.
Ông Phạm Văn Hòa cũng đề nghị phải có tài sản đảm bảo cho khoản vay đặc biệt, là tài sản đảm bảo của khách hàng gửi cho các ngân hàng. "Không lý do gì khách hàng có tài sản đảm bảo mới được cấp tín dụng, ngân hàng vay đặc biệt lại không phải thế chấp tài sản", ông nêu quan điểm.
Việc cho ngân hàng mất thanh khoản vay đặc biệt cần tài sản đảm bảo cũng được Ủy ban Kinh tế nêu khi thẩm tra dự thảo luật.
Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ cơ sở đề xuất biện pháp chỉ định cho vay đặc biệt, đánh giá tác động việc cho vay này với các tổ chức tín dụng được chỉ định. Trường hợp chỉ định một số ngân hàng cho vay đặc biệt, Ủy ban Kinh tế cho rằng cần làm rõ căn cứ lựa chọn, phân bổ số tiền cho vay.
nguồn : vnexpress.net