Bất chấp lãi suất giữ mức thấp, người dân vẫn đem gần 6,7 triệu tỷ đồng gửi ngân hàng trong tháng 3, mức kỷ lục từ trước đến nay.
Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng đạt 6,676 triệu tỷ đồng, tăng thêm khoảng 39.000 tỷ so với tháng trước đó và cao hơn 2,2% so với cuối năm trước. Đây là mức kỷ lục từ trước đến nay và cũng là tháng thứ hai liên tiếp, chỉ tiêu này tích lũy không ngừng.
Người dân vẫn chuộng gửi tiền vào ngân hàng dù lãi suất duy trì mức thấp. Khảo sát của VnExpress với hơn 40 ngân hàng hồi cuối tháng 3 cho thấy, khoảng 10 đơn vị niêm yết mức lãi từ 5% trở lên cho kỳ hạn 12 tháng - kỳ hạn được nhiều người ưa chuộng. Với các kỳ hạn thấp hơn như 9 tháng, lãi suất phổ biến từ 3% đến 4,8%; 6 tháng dao động 2-4,7% một năm.
Như vậy, môi trường lãi suất thấp vẫn không khiến dòng tiền dịch chuyển mạnh khỏi hệ thống ngân hàng để chuyển sang các kênh đầu tư khác.
Trong quý đầu năm, chứng khoán tăng hơn 13,6% lên sát vùng đỉnh hồi tháng 9/2022. Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu đã lập mặt bằng giá mới và được đánh giá khá cao, còn VN-Index xuất hiện không ít phiên giảm hai chữ số. Kênh đầu tư truyền thống khác là bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc ở ba tháng đầu năm, nhất là phân phúc nhà ở dân cư.
Vàng - kênh tích lũy tài sản phổ biến không kém, cũng chỉ tăng bình quân hơn 7% trong ba tháng đầu năm. Kim loại quý chưa thật sự tạo "sóng" khi có thời gian dài dùng dằng quanh mốc 75 triệu đồng, dịp vía Thần tài cũng không bật tăng, còn có nhiều phiên giảm mạnh.
Trong khi tiền gửi cư dân tăng, khối tổ chức và doanh nghiệp lại giảm 3,14% so với cuối năm 2023 về khoảng 6,6 triệu tỷ đồng. Nhưng nếu so với tháng trước đó, con số này đã tăng gần 1,6%, tức hơn 6,6 triệu tỷ.
Nhờ vậy, tổng tiền gửi chảy vào hệ thống tín dụng tính đến hết tháng 3 đạt hơn 16 triệu tỷ đồng, tăng từ 15,91 triệu tỷ đồng hồi tháng 2.
Thời gian gần đây, các ngân hàng có xu hướng tăng lãi suất tiền gửi. Hiện ba nhà băng BVBank, ABBank và BacABank trả mức lãi cao nhất hệ thống - 5,6% một năm cho khoản tiền gửi 12 tháng tối đa 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều ngân hàng trả lãi suất từ 5% trở lên.
Động thái điều chỉnh lãi suất tiết kiệm của các nhà băng, theo chuyên gia, nhằm cân bằng lại với lợi suất sinh lời của các kênh đầu tư khác, đặc biệt là sự áp đảo của vàng thời gian qua. Tính toán từ đầu năm, kim loại quý ghi nhận tỷ suất sinh lời trên 22%, trong khi tiền gửi tiết kiệm (kỳ hạn 12 tháng) chỉ khoảng 1,5%.
nguồn : vnexpress.net