Tập đoàn Điện lực Việt Nam ước tính lỗ lũy kế hai năm (2022-2023) hơn 93.000 tỷ đồng, có thể mất cân đối tài chính, dòng tiền, nếu giá điện không thay đổi.
Ngày 15/2, Bộ trưởng Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Theo thông cáo phát đi sau cuộc họp, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá EVN đang đối mặt thách thức, khó khăn chưa từng có do giá nhiên liệu đầu vào sản xuất tăng cao.
Yếu tố này đã "ăn mòn" lợi nhuận khiến EVN ghi nhận khoản lỗ hơn 31.000 tỷ đồng năm 2022. Mức lỗ này theo đánh giá của Ủy ban Quản lý Nhà nước, do yếu tố khách quan khi giá điện chưa được điều chỉnh.
Trong báo cáo gửi Bộ Công Thương hồi tháng 1, tập đoàn này ước tính lỗ luỹ kế hai năm (2022 - 2023) là hơn 93.000 tỷ đồng, trong đó năm nay trên 64.940 tỷ đồng, nếu giá bán lẻ điện bình quân vẫn như hiện nay.
Giá bán lẻ điện bình quân - cơ sở tính toán giá bán lẻ điện tới người tiêu dùng, sản xuất - đang ở mức 1.864,44 đồng một kWh, và giữ từ tháng 3/2019 đến nay. Tức gần 4 năm giá này chưa thay đổi.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho EVN, ngày 15/2. Ảnh: Dũng Cấn
Với tình hình tài chính hiện nay, tập đoàn này cho biết vẫn tiếp tục gặp khó khăn trong cân đối dòng tiền để thanh toán chi phí mua điện, cân đối và huy động vốn để đầu tư các dự án. Công ty mẹ - EVN sẽ không còn tiền trong tài khoản vào cuối tháng 5; sẽ thiếu tiền thanh toán từ tháng 6 (khoảng 3.730 tỷ đồng và tăng lên 28.206 tỷ đồng vào cuối năm nay). Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của EVN năm 2023 và các năm tới.
Tại cuộc họp hôm nay, Bộ trưởng Công Thương yêu cầu EVN sớm hoàn thành báo cáo quyết toán chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022 và kiểm toán tài chính của tập đoàn này cùng các đơn vị thành viên.
Ông nói việc điều chỉnh giá điện cần được tính toán, cân nhắc đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân và điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
Bộ trưởng Diên cũng yêu cầu EVN đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về cơ chế điều chỉnh, cơ cấu biểu giá bán lẻ; cơ chế giá, thị trường và mua bán điện trực tiếp (DPPA). Những đề xuất này sẽ đảm bảo giá điện phản ánh đầy đủ yếu tố thị trường, môi trường bình đẳng giữa các bên trong hoạt động điện lực.
Ngoài ra, Bộ sẽ xử lý các kiến nghị của tập đoàn này về cấp khí cho các dự án nhiệt điện tại trung tâm điện lực Ô Môn, Dung Quất; thẩm định thiết kế kỹ thuật dự án Quảng Trạch I, thuỷ điện tích năng Bắc Ái và cấp đủ than cho sản xuất điện.
nguồn : vnexpress.net