Ông Hoàng Việt Anh, Phó tổng giám đốc FPT cho biết, linh hoạt vận dụng công nghệ giúp doanh nghiệp thích ứng và sẽ thêm nhiều cơ hội ngay trong "bình thường mới".
Một khảo sát gần đây của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho thấy, cân đối giữa dòng tiền thu vào và chi ra là bài toán lớn mà các doanh nghiệp đang đối mặt. Theo đó, 76% doanh nghiệp tham gia khảo sát thừa nhận hiện không cân đối được thu chi, trong đó, 54% doanh nghiệp có dòng tiền thu vào chỉ đáp ứng dưới 50% chi ra. Sự mất cân đối này là dấu hiệu cảnh báo mức độ dễ bị tổn thương của doanh nghiệp, thậm chí trước nguy cơ phá sản trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài.
Theo ông Hoàng Việt Anh, Phó tổng giám đốc FPT phụ trách Chuyển đổi số, cần phải có ứng dụng sâu chuyển đổi số, từng bước tinh gọn, linh hoạt, thích ứng và kiến tạo giúp doanh nghiệp tối ưu vận hành, nâng cao hiệu suất, gia tăng doanh thu và hướng tới mô hình doanh nghiệp số.
Vị lãnh đạo FPT cũng đưa ra 5 xu hướng công nghệ giúp doanh nghiệp có thể vận hành hiệu quả:
Ông Hoàng Việt Anh, Phó tổng giám đốc FPT Phụ trách chuyển đổi số.
Tạo ra các trải nghiệm mang tính cá nhân
Lợi thế của môi trường số hóa là khả năng định danh, phân tích và cá nhân hoá trải nghiệm một cách phù hợp với nhu cầu của từng cá thể. Để hiểu khách hàng, và có thể tạo những trải nghiệm mới, doanh nghiệp phải dịch chuyển từ vai trò nhà cung cấp dịch vụ sang vai đối tác đồng sáng tạo các trải nghiệm tùy chỉnh, cá nhân hóa cho khách hàng.
Nhờ đó, doanh nghiệp vừa có thể tạo ra những điểm chạm cá nhân hóa vừa có thể tương tác gần gũi hơn với khách hàng. Đây cũng là cơ hội để bất kỳ công ty nào cũng có thể mở rộng tập khách hàng thân thiết, gắn kết lâu dài.
Ví dụ, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) dựa trên giải pháp trích xuất dữ liệu tự động đã tạo ra một trải nghiệm mới tiết kiệm thời gian cho người dùng. Theo đó, khách hàng không cần đến quầy giao dịch vẫn có thể cung cấp, cập nhật thông tin cá nhân.
Theo khảo sát của PwC, có tới 42% lãnh đạo các công ty trong lĩnh vực tài chính khẳng định đầu tư vào chuyển đổi số tạo ra những trải nghiệm mới cho khách hàng sẽ là chìa khóa thúc đẩy tăng trưởng trong 12 tháng tới.
Cộng hưởng sức mạnh trí tuệ nhân tạo và con người
Covid-19 phá bỏ các rào cản, thúc đẩy nhanh hơn quá trình ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Dược phẩm là một trong số ngành nhanh nhạy với công nghệ. Không ít công ty đã ứng dụng AI nhằm thúc đẩy việc nghiên cứu phát triển các loại thuốc liên quan đến điều trị Covid-19.
Sử dụng AI trong hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp linh hoạt xử lý nhiều hoạt động trong vận hành, Cộng hưởng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo và khả năng định hướng con người mỗi đơn vị có thể có nhiều ý tưởng mới tạo ra đòn bẩy thay đổi toàn diện hoạt động của doanh nghiệp trong tương lai.
Theo dự báo của Accenture, thị trường AI toàn cầu dự kiến đạt 14,7 tỷ USD vào năm 2025, tăng 154% so với 2018. Việc ứng dụng thành công trí tuệ nhân tạo có thể giúp các doanh nghiệp tăng 30% doanh thu. Một trong những ứng dụng phổ biến hiện nay của trí tuệ nhân tạo là các trợ lý ảo. Đơn vị này dự báo có khoảng 1 tỷ người dùng công cụ ảo này vào năm 2025.
Ví dụ như Home Credit, trong vòng 6 tháng "nhân viên ảo" trực tổng đài có thể thực hiện hàng chục nghìn cuộc đàm thoại tự động mỗi ngày, hoàn thành tới hơn 90% yêu cầu của khách về khoản vay và dịch vụ.
Trợ lý ảo tổng đài có thể giúp tăng 40% hiệu suất tổng đài viên.
Hệ sinh thái sản phẩm thông minh ứng dụng IoT
Một trong những rào cản của các sản phẩm thông minh là sự cải tiến liên tục trong vòng đời. Điều này giúp nhà sản xuất hoàn thiện và cập nhật những công nghệ mới, nhưng khiến người dùng lại cảm thấy phiền phức trước những bản lỗi hoặc trải nghiệm gián đoạn, thiếu thân thiện, quen thuộc. Covid-19 đã tạo ra cú huých thúc đẩy nhu cầu về những sản phẩm thông minh đi kèm với những tính năng mới, đặc biệt là những sản phẩm liên quan đến chăm sóc sức khỏe.
Công ty thiết bị y tế Kinsa sử dụng dữ liệu từ nhiệt kế thông minh để theo dõi sự lây lan và phát hiện những khu vực có Covid-19 tại Mỹ. Hay như việc nghiên cứu dùng nhẫn thông minh để đo nhiệt độ của người đeo, nhằm xác định sớm những ca nhiễm Covid-19 mới. Việc ứng dụng này tạo ra một thị trường bùng nổ với mức chi tiêu tiềm năng, đồng thời kết nối và mở ra những hệ sinh thái phần mềm, ứng dụng, giải pháp có liên quan cho những doanh nghiệp dịch vụ, phần mềm hay thậm chí cả sản phẩm.
Tiềm năng của các hệ thống Robot
Giãn cách xã hội trong Covid-19 buộc doanh nghiệp, tổ chức và người dân phải tìm kiếm những giải pháp mới để tương tác không cần tiếp xúc. Điều này tạo điều kiện để robot/máy móc tự động chuyển đổi từ môi trường kiểm soát sang môi trường mở. Máy bay giao hàng không người lái của UPS có thể di chuyển với vận tốc 240km/h và được phát triển để cung cấp vật tư y tế, bưu kiện thực với phạm vi hoạt động 120 km.
Các doanh nghiệp chuyên nghiên cứu và sản xuất robot đang rất tích cực chứng minh các cơ hội mới trong việc đưa Robot ra môi trường không giới hạn. Với sự phát triển của công nghệ và khả năng kết nối, các robot đã trở nên thông minh hơn và bước ra khỏi không gian giới hạn của những công việc có tính chất lặp đi lặp lại. Nhờ đó doanh nghiệp sẽ tìm ra cách thức tương tác mới với khách hàng và cải thiện hoạt động.
Nhìn từ góc độ doanh nghiệp, sự bùng nổ của robot sẽ bổ sung thêm một lực lượng sản xuất mới với năng suất và tiềm năng to lớn. Các lĩnh vực như y tế, sản xuất sẽ đi đầu trong việc ứng dụng này, song song với ngành ngân hàng, tài chính.
Theo báo cáo Công ty tư vấn Robo Global, thị trường Robot công nghiệp tiếp tục tăng tốc trong năm 2020 với khoảng 3,1 triệu Robot được tung ra. Con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong vòng 5 năm tới để đáp ứng nhu cầu của hơn 360 triệu cơ sở sản xuất trên toàn cầu.
Tự đổi mới tại mỗi doanh nghiệp
Báo cáo của PwC cho thấy, đầu tư vào đổi mới sáng tạo giúp các doanh nghiệp đạt được mục tiêu kép là vừa tăng trưởng doanh thu vừa tối ưu chi phí. 69% số doanh nghiệp được khảo sát khẳng định đổi mới sáng tạo là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp họ tăng trưởng doanh số.
Covid-19 buộc các doanh nghiệp tự vận động để nhanh chóng thích ứng và bứt phá sau đại dịch.
Với phương pháp luận FPT Digital Kaizen, hệ sinh thái sản phẩm giải pháp đa dạng, năng lực tư vấn và kinh nghiệm triển khai hàng nghìn dự án chuyển đổi số trong và ngoài nước, FPT sẵn sàng giúp các doanh nghiệp "khởi động thông minh" và "nhân rộng thần tốc" các dự án chuyển đổi số trên quy mô toàn doanh nghiệp.
Công ty cũng luôn cập nhật các xu hướng công nghệ mới, để tư vấn, triển khai cũng như quản lý sự thay đổi của lộ trình, đảm bảo doanh nghiệp đi đúng hướng trên hành trình chuyển đổi số, giải quyết bài toán thích ứng các yêu cầu của trạng thái "bình thường mới", hướng đến mô hình vận hành số và doanh nghiệp số trong tương lai.
nguồn : vnexpress.net