Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Chính phủ giao Bộ Tài chính tạo điều kiện, đảm bảo hoàn thuế VAT nhanh nhất.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 105 nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế tiếp tục đối diện với nhiều thách thức, Nghị quyết tập trung vào mục tiêu hỗ trợ dòng tiền, giảm chi phí, tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp; đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.
Theo đó, Bộ Tài chính được giao rà soát lại quy định để sửa đổi, tạo điều kiện thuận lợi, nhanh gọn, giúp doanh nghiệp được hoàn thuế giá trị gia tăng nhanh nhất.
Chậm hoàn VAT là nút thắt được các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành gỗ, giấy, cao su liên tục phản ánh trong thời gian qua. Việc bị giam cả nghìn tỷ đồng tiền hoàn thuế trong thời gian dài khiến họ kiệt quệ, buộc phải kêu cứu.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ cho doanh nghiệp về dòng tiền, Bộ Tài chính được giao tiếp tục thực hiện các chính sách gia hạn, giảm thuế, phí, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ về tài khóa nhưng không ảnh hưởng đến an toàn nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài. Trong tháng 7 này, Bộ Tài chính được yêu cầu trình Chính phủ ban hành Quyết định giảm 30% tiền thuê đất của năm 2023.
Bộ cũng cần tính toán mức độ, thời hạn, phương thức huy động vốn, phát hành trái phiếu Chính phủ phù hợp theo tiến độ thu, chi, giải ngân vốn đầu tư công để kích thích tăng trưởng kinh tế, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn vay, khả năng trả nợ.
Bộ Công Thương được giao rà soát, sớm cấp phép hoạt động điện lực cho các dự án điện năng lượng tái tạo đủ điều kiện, sớm đưa các dự án này vào vận hành; hoàn thiện các quy định về mua, bán điện, chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phối hợp, đẩy nhanh tiến độ đàm phán, thống nhất giá điện tạm thời với các dự án năng lượng tái tạo.
Ngân hàng Nhà nước được giao ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi phù hợp với tình hình thị trường, nhất là thời điểm cuối năm khi các khoản huy động vốn với lãi suất cao trong các tháng cuối 2022, đầu năm 2023 đến thời hạn thanh toán; tiếp tục tìm cách giảm lãi suất khoảng 1,5-2%.
Cơ quan này cũng cần xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình thực tiễn (cả năm khoảng 13-15%, trường hợp thuận lợi thì có thể tăng cao hơn) và công bố ngay bằng hình thức phù hợp; tiếp tục rà soát gói tín dụng về nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng; Sớm đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản, thủy sản và các gói tín dụng hỗ trợ phù hợp các lĩnh vực cần thiết khác.
nguồn : vnexpress.net