Giá dầu đang giảm mạnh, nhưng vẫn có thể tăng lại khi địa chính trị, kinh tế và thời tiết ngày càng khó dự báo.
Khi khủng hoảng Ukraine nổ ra, các chuyên gia năng lượng đã dự báo giá dầu có thể lên tới 200 USD mỗi thùng. Mức giá này có thể kéo chi phí vận chuyển và giao thông tăng vọt, làm rung chuyển kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, giá dầu hiện đã thấp hơn cả khi chiến sự bắt đầu, giảm hơn 30% trong vòng chưa đầy hai tháng. Đầu tuần này, tin tức cho thấy kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và nước này hạ lãi suất khiến giá dầu càng giảm, xuống dưới 90 USD mỗi thùng dầu WTI.
Tại Mỹ, giá xăng giảm mỗi ngày trong 9 tuần qua, xuống mức trung bình dưới 4 USD trên toàn quốc. Giá nhiên liệu máy bay và dầu diesel cũng đang giảm. Nhờ vậy, giá thành của nhiều hàng hóa dịch vụ từ đồ ăn đến vé máy bay sẽ hạ nhiệt.
Diễn biến giá dầu WTI gần một thập kỷ qua.
Tuy nhiên, New York Times cho rằng còn quá sớm để ăn mừng. Giá dầu vẫn có thể tăng vọt một cách dễ dàng. Lý do là Trung Quốc - nơi vẫn đang theo đuổi chính sách phong tỏa chống dịch - rồi cũng sẽ mở cửa trở lại, làm tăng nhu cầu nhiên liệu. Việc Mỹ xả kho dầu dự trữ chiến lược sẽ kết thúc vào tháng 11. Tức là đến lúc đó, kho dầu nước này sẽ cần nạp lại.
Bên cạnh đó, một sự kiện bất ngờ - như một cơn bão làm ngập kênh Houston Ship và khiến một số nhà máy lọc dầu ở vịnh Mexico ngừng hoạt động trong nhiều tuần hoặc vài tháng - cũng có thể khiến giá nhiên liệu tăng vọt.
Những thảm họa đó có thể gây ra tác động không nhỏ đến kinh tế Mỹ và thậm chí toàn cầu. Vì giá năng lượng là yếu tố cơ bản để tính giá của mọi hàng hóa, dù đó là ngũ cốc hay vật tư xây dựng. "Giá dầu luôn có khả năng gây bất ngờ", Daniel Yergin - nhà sử học năng lượng kiêm tác giả của cuốn "The New Map: Energy, Climate and the Clash of Nations" bình luận.
Ở chiều ngược lại, giá dầu vẫn có thể giảm hơn nữa nếu Iran đồng ý một dự thảo thỏa thuận hạt nhân mới với Mỹ. Việc này sẽ giải phóng lượng xuất khẩu tiềm năng thêm ít nhất một triệu thùng mỗi ngày. Ngoài ra, viễn cảnh lãi suất tiếp tục tăng sẽ khiến nhiều nhà đầu tư và nhà kinh tế dự đoán suy thoái, kéo theo nhu cầu giảm, dù tỷ lệ thất nghiệp thấp và lợi nhuận vẫn tăng.
"Tôi nghĩ giá dầu có thể giảm", Sarah Emerson - Chủ tịch công ty phân tích ESAI Energy, nhận định. Dự báo của bà dựa trên các yếu tố gồm: nhập khẩu dầu thô quý III của Trung Quốc giảm; thời kỳ cao điểm sử dụng xăng dầu mùa hè của Mỹ kết thúc; và các lo ngại về suy giảm kinh tế.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng thừa nhận điều này "không có nghĩa là giá sẽ không tăng trở lại". Yếu tố chi phối của kịch bản này gồm Mỹ tăng nạp dầu trở lại sau khi xả kho dự trữ chiến lược và khả năng châu Âu tăng dùng dầu thay khí đốt trong mùa đông tới.
New York Times cho rằng, dự đoán giá năng lượng luôn là một "trò chơi ngu ngốc" vì có rất nhiều yếu tố, bao gồm kỳ vọng của các nhà buôn, tình hình chính trị của các nước sản xuất như Venezuela, Nigeria và Libya, và các quyết định đầu tư của những hãng dầu quốc doanh lẫn tư nhân.
Ngày nay, những yếu tố này đặc biệt phức tạp và khó đánh giá. Đầu tháng 7, Citigroup dự báo giá dầu có thể về 65 USD mỗi thùng vào cuối năm. Lý do chính là suy thoái toàn cầu "đang cận kề".
Tuy nhiên, ngay sau đó, Goldman Sachs Commodities Research lại dự báo giá tăng khi nhu cầu nhiên liệu phục hồi. "Chúng tôi nhận thấy rủi ro ngày càng tăng đối với giá hàng hóa, khi tỷ lệ thất nghiệp thấp và sức mua hộ gia đình ổn định", báo cáo kết luận.
Đặc biệt, cuộc chiến ở Ukraine vẫn là một biến số lớn trong triển vọng nguồn cung, vì Nga đóng góp 10% cho thị trường toàn cầu hiện tiêu thụ 100 triệu thùng mỗi ngày. Từ khi xung đột nổ ra, xuất khẩu của Nga đã giảm khoảng 580.000 thùng mỗi ngày. Các biện pháp trừng phạt của châu Âu với dầu Nga sắp có hiệu lực, có thể làm giảm xuất khẩu hàng ngày của Nga thêm 600.000 thùng.
Và khi Nga siết hơn nữa việc bán khí đốt tự nhiên cho châu Âu để trả đũa, các công ty năng lượng châu Âu sẽ buộc phải dùng nhiều dầu hơn để thay cho khí đốt.
Thị trường năng lượng cũng đang gửi đi những tín hiệu trái chiều. Trong dự báo tuần trước, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho rằng nhu cầu xăng dầu năm nay sẽ yếu hơn so với dự báo đưa ra hồi đầu năm. Tuy nhiên, nhu cầu toàn cầu năm 2023 sẽ tăng, lên gần 103 triệu thùng mỗi ngày.
Một chiếc xe tải chở dầu ở Mentone, Texas, Mỹ. Ảnh: NYT
Nguồn cung đang dần tăng lên do sản xuất ở Guyana, Brazil và Mỹ tăng lên. Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh khác cũng đang hưởng ứng, dù không nhiều như ông Biden mong muốn. OPEC+ đã hứa sẽ tăng sản lượng lên 600.000 thùng mỗi ngày trong tháng 7 và tháng 8.
Triển vọng lọc dầu cũng đang cải thiện. Trong khi công suất lọc dầu ở châu Âu và Mỹ giảm những năm gần đây, hoạt động này lại đang tăng lên ở Trung Đông, Mỹ Latin, châu Á và châu Phi.
Một yếu tố khác là nhu cầu ở Mỹ - nơi chiếm hơn một phần ba nhu cầu xăng dầu toàn cầu - lại tương đối thấp. Mùa lái xe hè thường khiến làm tăng lượng tiêu thụ lên 400.000 thùng mỗi ngày. Nhưng đến nay, nhu cầu xăng vẫn không đổi so với mức trung bình tháng 4, theo nghiên cứu của J.P. Morgan Commodities. Tuy nhiên, xu hướng đó có thể thay đổi khi giá giảm.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần tính đến xu hướng từ bỏ nhiên liệu hóa thạch. Ngày càng có nhiều nhà đầu tư năng lượng hoài nghi về tương lai dầu mỏ và cho rằng giá trong dài hạn sẽ đi xuống. "Nhu cầu về xe điện đang tăng lên là tín hiệu rõ nét", Daniel Sperling - Chuyên gia giao thông tại Đại học California tại Davis, nhận định.
nguồn : vnexpress.net