Sản xuất Trung Quốc tăng chậm nhất 7 tháng, do chi phí tăng và số đơn hàng xuất khẩu giảm khi đại dịch tái bùng phát trên toàn cầu.
Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) do Caixin/Markit Manufacturing sáng nay công bố cho thấy PMI của Trung Quốc tháng trước là 51,5. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 6 năm ngoái và giảm rõ rệt so với tháng trước (53). Dù vậy, PMI trên 50 vẫn cho thấy sản xuất có sự tăng trưởng.
Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc chậm lại cho thấy sự mong manh của đà hồi phục kinh tế nước này. Bắc Kinh đang vật lộn với đợt tái bùng phát Covid-19 ở phía Bắc, cũng như đang tìm cách xoa dịu căng thẳng với Washington và các đồng minh.
Công nhân trong một nhà máy sản xuất xe đạp tại Chiết Giang (Trung Quốc). Ảnh: Reuters
PMI chính thức do Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm 31/1 cũng cho ra kết quả tương tự, với 52,4 – giảm so với 55,7 tháng 12.
Chỉ số phụ theo dõi sản xuất của Caixin/Markit là 52,5 trong tháng 1 – thấp nhất kể từ tháng 4 năm ngoái. Một chỉ số phụ khác về đơn hàng mới cũng còn 52,2 – chậm nhất kể từ tháng 6.
Số đơn hàng xuất khẩu đã quay về vùng giảm trong tháng 1, chấm dứt chuỗi 5 tháng tăng liên tiếp, do đại dịch tái bùng phát toàn cầu làm giảm nhu cầu hàng nhập khẩu.
Kinh tế Trung Quốc tăng mạnh hơn dự kiến quý trước, với 6,5%, nhờ xuất khẩu tăng tốc và các nhà máy nhiều đơn hàng trong đại dịch. Tuy nhiên, đà phục hồi đang chịu tác động từ số ca Covid-19 tăng mạnh. Giới chức Trung Quốc đã phải áp đặt lệnh phong tỏa để ngăn Covid-19 lây lan tại phía Bắc, ảnh hưởng đến các nhà máy thép và niềm tin tiêu dùng.
"PMI dù trên 50 nhưng thấp nhất 7 tháng cho thấy các doanh nhân ngành sản xuất vẫn lo lắng về sự bền vững của đà phục hồi kinh tế", Wang Zhe – nhà kinh tế học cấp cao tại Caixin Insight Group cho biết, "Bên cạnh đó, thị trường việc làm yếu đi và áp lực lạm phát ngày càng lớn cũng không nên bị bỏ qua".
Chi phí đầu vào tiếp tục tăng mạnh trong tháng 1. Lạm phát chỉ giảm nhẹ so với mức đỉnh 3 tháng hồi tháng trước. Những công ty tham gia khảo sát cho biết giá nguyên liệu thô và sự khan hiếm nguồn cung đã đẩy chi phí tháng 1 lên cao. Việc chính phủ phong tỏa càng khiến chuỗi cung ứng của họ gián đoạn. Các nhà máy cũng đang tăng tốc cắt giảm nhân sự trong tháng trước.
nguồn : vnexpress.net