JPMorgan Chase dự báo GDP Nga tăng 1% năm nay, trong khi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho rằng số liệu này giảm 2,5%.
Các tổ chức và doanh nghiệp trên thế giới đang đưa ra số liệu rất khác nhau về kinh tế Nga. Điều này cho thấy thách thức mà các nhà kinh tế học phải đối mặt khi đánh giá tình hình quốc gia này.
Điện Kremlin ngừng công bố các số liệu chủ chốt, như báo cáo về ngân hàng, dầu mỏ và nợ, trong vài tháng đầu sau khi mở chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2/2022. Khi đó, các nhà kinh tế học phải tìm đến những nguồn dữ liệu phi truyền thống để đưa ra nhận định.
Gần đây, bức tranh rõ ràng hơn một chút, do Nga bắt đầu công bố có chọn lọc một số loại dữ liệu, lần đầu tiên kể từ sau chiến sự. Ngoài số liệu xuất nhập khẩu, Nga còn khôi phục việc công bố về tỷ lệ vàng trong dự trữ quốc tế và vài chỉ số ngành ngân hàng, như biên lợi nhuận, vốn và thanh khoản.
Trước đây, các dữ liệu này được các nhà kinh tế độc lập chấp nhận. Còn từ sau xung đột, chúng lại thành tâm điểm tranh cãi. Jeffrey Sonnenfeld – Giáo sư tại Trường Quản trị thuộc Đại học Yale cho rằng dự báo dựa trên số liệu chính thức của Nga sẽ gây nhầm lẫn, vì chúng không đáng tin.
Trung tâm Kinh doanh Quốc tế tại Moskva (Nga). Ảnh: Bloomberg
Với các số liệu sẵn có, dự báo của các nhà kinh tế học dành cho Nga cũng rất khác nhau. JPMorgan lạc quan nhất với tình hình kinh tế Nga năm nay. Họ dự báo tăng trưởng là 1%. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm qua cũng đưa ra số liệu tích cực, với tốc độ 0,7%, tăng so với dự báo tháng 1 là 0,3%.
"Họ vẫn đang duy trì được động lực trong nền kinh tế, với các chính sách tài khóa vững chắc", Pierre-Olivier Gourinchas – Giám đốc Nghiên cứu của IMF cho biết trên WSJ. Kim ngạch xuất khẩu của nước này vẫn tốt, vì đã tìm được khách mua năng lượng thay thế cho phương Tây.
Ngược lại, OECD là tổ chức bi quan nhất. Mùa thu năm ngoái, họ dự báo kinh tế Nga co lại 5,6% năm nay. Hiện tại, con số này được điều chỉnh còn -2,5%.
OECD giải thích rằng: "Tác động từ các biện pháp cấm vận nhằm vào xuất khẩu năng lượng của Nga nhỏ hơn dự báo ban đầu. Nga vẫn duy trì được mức xuất khẩu nhờ tăng bán cho các thị trường khác, dù với giá rẻ hơn".
Petya Koeva Brooks – Phó giám đốc phụ trách nghiên cứu của IMF thừa nhận họ có ít dữ liệu hơn so với trước chiến sự. "Chúng tôi dùng số liệu chính thức có sẵn, cũng như các chỉ số khác do bên thứ ba cung cấp, như xuất nhập khẩu và những số liệu có thể giúp mọi người nhìn được bức tranh rộng hơn", Brooks nói.
Khi thiếu vắng các số liệu kinh tế truyền thống, các nhà kinh tế học buộc phải điều chỉnh mô hình dự báo, phụ thuộc vào các chỉ số như giá dầu, số dầu bán được, thâm hụt thương mại và ngân sách. Các số liệu này cho thấy kinh tế Nga dường như đang chịu sức ép.
Dù nâng dự báo tăng trưởng cho Nga năm nay, IMF cho rằng chiến sự có thể khiến GDP Nga năm 2027 giảm đáng kể so với dự báo trước đây của họ. "Theo thời gian, tác động từ các lệnh cấm vận sẽ cao lên", Brooks giải thích.
"Người Nga đang chịu tác động nặng nề từ chiến sự tại Ukraine. Số liệu GDP không thể phản ánh đầy đủ điều này. Cuộc sống, chất lượng sống của họ đều bị ảnh hưởng", Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass cho biết hôm 10/4.
Trong khi đó, theo số liệu chính thức do Cơ quan Thống kê Nga Rosstat, GDP Nga năm ngoái chỉ giảm 2,1%. Mức giảm này thấp hơn rất nhiều so với dự đoán đầu chiến sự là 10-15%.
Tháng trước, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cũng nhận định "suy thoái tại Nga có mức độ nhẹ" và họ đã "đưa được nền kinh tế quay về quỹ đạo tăng trưởng". "Hiện tại, ngay cả một số tổ chức quốc tế cũng có dự báo tích cực cho năm 2023. Tốc độ tăng trưởng năm 2024 thậm chí còn cao hơn các nước phát triển", ông nói.
Năm nay, Sberbank - ngân hàng lớn nhất Nga - dự báo nền kinh tế này tăng trưởng quanh 0% và lạm phát vào khoảng 5-6%. Nguyên nhân là "tăng trưởng lương ổn định trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp thấp, nhu cầu hồi phục và đồng ruble yếu đi", CEO Sberbank Herman Gref cho biết.
nguồn : vnexpress.net