Xuất khẩu năm 2023 của Trung Quốc lần đầu giảm sau 7 năm, trong bối cảnh sức ép giảm phát kéo sang tháng thứ 3 liên tiếp.
Số liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố hôm 12/1 cho thấy xuất khẩu năm ngoái của nước này chỉ đạt 3.380 tỷ USD, giảm 4,6% so với năm trước đó. Đây là lần giảm đầu tiên kể từ năm 2016. Nhập khẩu cũng giảm 5,5%, xuống 2.560 tỷ USD.
"Sự phục hồi của kinh tế toàn cầu vẫn yếu trong năm qua. Nhu cầu bên ngoài đi xuống đã ảnh hưởng đến xuất khẩu của Trung Quốc", Lyu Daliang - người phát ngôn của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết trong cuộc họp báo cùng ngày.
Ông dự báo nước này tiếp tục đối mặt với "khó khăn" về xuất khẩu, khi nhu cầu toàn cầu có thể vẫn yếu và "chính sách bảo hộ, đơn phương" kìm hãm tăng trưởng.
Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc cũng giảm tháng thứ 3 liên tiếp, tính đến hết tháng 12. Chỉ số giá sản xuất đã giảm hơn một năm qua, theo số liệu của Cục Thống kê Trung Quốc. Việc này cho thấy sức ép giảm phát tại nền kinh tế lớn nhất châu Á vẫn dai dẳng.
Tính chung cả năm 2023, CPI của Trung Quốc chỉ tăng 0,2% - thấp nhất kể từ năm 2009. Chỉ số giá sản xuất giảm 3% - nhiều nhất kể từ năm 2015.
"Sức ép giảm phát trong nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn, do nhu cầu nội địa yếu. Lĩnh vực bất động sản đang gây sức ép lên nền kinh tế", Zhiwei Zhang - nhà kinh tế học tại Pinpoint Asset Management nhận xét trên Reuters.
Người dân mua sắm tại một khu chợ ở Bắc Kinh hôm 12/1. Ảnh: Reuters
Giá thực phẩm, đặc biệt là thịt lợn, là nguyên nhân chủ yếu kéo CPI xuống. "CPI lõi liên tục ở mức thấp phản ánh nhu cầu tiêu dùng nội địa yếu, trong bối cảnh bất động sản và thị trường việc làm vẫn còn nhiều vấn đề", Goldman Sachs cho biết trong báo cáo hôm 12/1.
Các nhà phân tích tại Capital Economics dự báo lạm phát lõi của Trung Quốc tăng nhẹ, nhờ nền kinh tế phục hồi theo chu kỳ. Tuy nhiên, sức ép giảm phát sẽ không biến mất.
Giới chức Trung Quốc được kỳ vọng tung thêm nhiều chính sách hỗ trợ trong ngắn hạn để kéo nhu cầu lên cao. "Tiêu dùng có thể sẽ tăng cao cận Tết Nguyên đán. Nhưng họ vẫn cần nhiều chính sách kích thích hơn để các hộ gia đình tăng chi và giảm sức ép giảm phát", các nhà phân tích tại UBS nhận định.
Giới chức Trung Quốc cũng đang đối mặt với việc kinh tế toàn cầu đi xuống. Đầu tuần này, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại năm thứ ba liên tiếp.
Dù vậy, giới chuyên gia cho rằng vẫn còn một vài thông tin tích cực. Trong tháng 12, xuất khẩu của Trung Quốc tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước đó. Đây là tháng tăng thứ 2 liên tiếp, cho thấy sự cải thiện về nhu cầu của thế giới với hàng Trung Quốc. Trước tháng 11, xuất khẩu của nước này giảm 6 tháng liên tiếp.
"Các số liệu xuất khẩu này được hỗ trợ bởi mảng thiết bị bán dẫn và điện tử. Sự phục hồi của các mảng này là nhờ nhu cầu nước ngoài tăng", Xu Tianchen - nhà kinh tế học tại Economist Intelligence Unit nhận định.
Thương mại với Nga tiếp tục lập đỉnh mới năm ngoái, với 240 tỷ USD, tăng 26% so với năm trước đó. Dù vậy, con số này chỉ đóng góp 4% tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc. Mỹ vẫn là đối tác thương mại lớn nhất, đóng góp 11,2% tổng kim ngạch cho Trung Quốc.
Nhập khẩu của Trung Quốc cũng tăng trong tháng 12/2023 so với cùng kỳ năm ngoái, trái ngược với diễn biến tháng 11. Nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới đã mua kỷ lục dầu thô và than đá năm ngoái, khi nhu cầu hồi phục sau đại dịch. Nhập khẩu quặng sắt cũng lập đỉnh mới năm ngoái.
Julian Evans-Pritchard - Giám đốc phụ trách Trung Quốc tại Capital Economics - dự báo nhập khẩu của Trung Quốc sẽ cải thiện trong ngắn hạn, nhờ các chính sách hỗ trợ nhu cầu của giới chức. "Đà phục hồi về hoạt động kinh tế theo chu kỳ sẽ vẫn hỗ trợ lạm phát lõi tăng nhẹ", ông nói.
Dù vậy, vẫn có ý kiến cho rằng thương mại phục hồi không có tác động thúc đẩy đáng kể. "Xuất khẩu không phải là trụ cột đủ mạnh để làm tăng nhu cầu nội địa nói chung tại Trung Quốc", Zhang cho biết. Dan Wang - kinh tế trưởng tại Hang Seng Bank cũng nhận định số đơn hàng quốc tế tăng vọt tháng trước khó có thể là xu hướng trong dài hạn.
nguồn : vnexpress.net