Chính phủ đề xuất tất cả hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế giá trị gia tăng 10% được giảm về mức 8%.
Chính phủ ngày 5/5 có tờ trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT).
Bộ Tài chính đã lập đề nghị xây dựng Nghị quyết và chuẩn bị các tài liệu. Hồ sơ Nghị quyết đã được Bộ Tư pháp thẩm định và Chính phủ xem xét, thông qua tại Nghị quyết 67 ngày 2/5.
Dự thảo Nghị quyết được Chính phủ đề xuất thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn và trình Quốc hội thông qua theo quy trình một kỳ họp vào tháng 5 này.
Động thái trên diễn ra trong tình hình thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó khăn với nền kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp ngày càng tăng, đặt ra nhiều thách thức với mục tiêu tăng trưởng năm 2023. Do đó, Chính phủ cho rằng cần có thêm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế tiếp tục duy trì đà phục hồi.
Các nước đã áp dụng giải pháp giải quyết trực tiếp vấn đề khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp như gia hạn nộp thuế, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuế đất; ngoài ra còn hỗ trợ thông qua phát tiền mặt trực tiếp cho người dân.
Chính phủ đánh giá các giải pháp về gia hạn thuế, giảm thuế và tiền thuê đất, miễn giảm khoản thu phí, lệ phí thời gian qua cho thấy có hiệu quả cao, tác động tích cực ngay tới hoạt động của doanh nghiệp. Để ứng phó với diễn biến phức tạp của nền kinh tế, việc tiếp tục giảm thuế VAT như đã áp dụng trong 2022, theo Chính phủ, là cần thiết. Cơ quan này ước tính, ngân sách giảm thu 5.800 tỷ đồng mỗi tháng và 35.000 tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm nay.
Theo chuyên gia, việc giảm 2% thuế VAT giúp người dân tiết kiệm được một khoản chi phí trong chi tiêu, sinh hoạt, mang lại tác động về tâm lý, giúp kích cầu, tăng tiêu dùng.
Bên cạnh đó, việc Chính phủ đề xuất giảm VAT đồng loạt 2% cũng tạo nhiều thuận lợi hơn so với chính sách giảm thuế VAT chỉ cho một số ngành nghề từng áp dụng năm 2022. Năm ngoái, việc chỉ giảm thuế với một số mặt hàng khiến doanh nghiệp kê khai, nộp thuế rất phức tạp. Các doanh nghiệp, cơ quan thuế, hải quan rơi vào trạng thái lo ngại nếu xác định không đúng mặt hàng được giảm sẽ tạo nguy cơ bị xử phạt, kỷ luật sau này.
nguồn : vnexpress.net