Ngân hàng Trung ương tại Mỹ, Nhật Bản, Anh, Nga đều sẽ họp chính sách trong tuần tới, để quyết định lãi suất tham chiếu tại các thị trường này.
Tuần tới sẽ là tuần bận rộn nhất từ đầu năm của các ngân hàng trung ương toàn cầu. Lãi suất cho vay bằng các đồng tiền được giao dịch nhiều nhất thế giới sẽ được thiết lập.
Từ sau đại dịch và chiến sự Nga - Ukraine, bức tranh lạm phát của các nước ngày càng trái chiều. Trong khi một số nước phải liên tục nâng lãi suất để ghìm giá cả, số khác lại vật lộn với giá giảm. Vì thế, chính sách tiền tệ của các nước cũng ngày càng khác biệt. Kết quả các phiên họp chính sách tuần tới cũng sẽ hé lộ quan điểm của giới chức tài chính các nước về rủi ro lạm phát.
Sự kiện được chú ý nhất tuần sau là phiên họp chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong hai ngày 19 và 20/3. Nhà đầu tư sẽ theo dõi sự kiện này để xem liệu các báo cáo kinh tế sôi động gần đây có khiến quan chức Fed lùi ý định nâng lãi hay không.
Tuần tới, Fed được dự báo giữ nguyên lãi suất lần thứ 5 liên tiếp. Kể từ tháng 5/2022, cơ quan này đã nâng lãi thêm 5,25%. Hiện tại, lãi suất ở Mỹ vẫn cao nhất hơn 20 năm.
Chủ tịch Fed Jerome Powell trong cuộc họp báo tháng 12/2023. Ảnh: Reuters
Sau các số liệu việc làm và lạm phát sôi động hai tháng đầu năm, quan chức Fed vẫn khẳng định sẽ không vội vã nới lỏng. Dù vậy, các nhà kinh tế học trong khảo sát của Bloomberg dự báo Fed vẫn sẽ giảm lãi suất 3 lần năm nay. Lần đầu tiên nhiều khả năng vào tháng 6.
Thông báo của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cũng được đánh giá quan trọng. Cơ quan này đã duy trì chính sách lãi suất âm kể từ năm 2016 và chưa nâng lãi lần nào kể từ năm 2007.
Lạm phát tại Nhật Bản đã vượt mục tiêu của BOJ là 2% hơn một năm qua. Năm ngoái, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi của Nhật Bản cũng tăng 3,1% - cao nhất 41 năm.
Cơ quan này được kỳ vọng nâng lãi trong phiên họp tháng 3 hoặc tháng 4. Khả năng này ngày càng tăng khi hôm 15/3, các công ty lớn nhất Nhật Bản đồng ý nâng lương cho người lao động thêm 5,28% trong năm 2024. Đây là mức tăng mạnh nhất 33 năm qua.
"Dù vậy, chúng tôi cho rằng BOJ sẽ tuyên bố còn quá sớm để thắt chặt", Taro Kimura - nhà kinh tế học tại Bloomberg Economics dự báo.
Tại châu Âu, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và Thụy Sĩ cũng đang tiến dần tới việc giảm lãi. BoE sẽ nhận báo cáo lãi suất ngày 20/3 và số liệu sản xuất ngày 21. Các số liệu này sẽ tác động đến quyết định lãi suất của họ ngày 21/3.
Dù vậy, Anh được dự báo giữ nguyên chính sách. Khi giá tiêu dùng tăng chậm lại, nhưng vẫn trên mục tiêu 2%, BoE chưa có tín hiệu vội vã nới lỏng. Thụy Sĩ cũng được kỳ vọng chưa thay đổi chính sách tiền tệ trong phiên họp tuần tới.
Ngân hàng Trung ương Australia cũng được dự báo giữ nguyên lãi suất tại mức 4,35% sau số liệu tháng 1 cho thấy lạm phát yếu hơn dự báo. Nhà đầu tư sẽ tập trung liệu cơ quan này có giữ nguyên quan điểm thắt chặt, hay sẽ ra tín hiệu nới lỏng trong vài tháng tới.
Ngày 22/3, Ngân hàng Trung ương Nga sẽ có quyết định chính sách đầu tiên sau cuộc bầu cử Tổng thống. Cơ quan này được dự báo giữ nguyên lãi suất lần thứ hai liên tiếp, ở mức 16%. Khi lạm phát hiện là 7,7% - gần gấp đôi mục tiêu, Ngân hàng Trung ương Nga khó giảm lãi suất trong nửa đầu năm nay.
nguồn : vnexpress.net