Giá cả tăng vọt khiến nhiều người tin lạm phát đang bủa vây nhưng giới phân tích lại cho rằng, mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát.
Giá hàng hoá đang dâng lên khắp thế giới và Việt Nam không phải ngoại lệ, đặc biệt sau những lần lập đỉnh của giá xăng và vàng gần đây.
Áp lực lạm phát Việt Nam đã được đề cập từ cuối năm ngoái nhưng đến nay, nhiều chuyên gia, vẫn cho rằng nó sẽ trong tầm kiểm soát, tức dưới 4%, như mục tiêu của Chính phủ.
HSBC hồi tháng 2 nâng dự báo lạm phát 2022 của Việt Nam lên 3% nhưng đánh giá "không phải mối lo lớn". Tới tháng 3, khi giá nhiên liệu có nhiều biến động hơn trước căng thẳng của Nga – Ukraine, ngân hàng này tiếp tục cảnh báo về rủi ro lạm phát nhưng vẫn chưa tăng mức dự báo.
Tương tự, World Bank, trong bản cập nhật tháng này, thậm chí cho rằng lạm phát đang được kiềm chế dù giá nhiên liệu tăng. Quỹ Dragon Capital cũng ước tính, phần nhiều lạm phát của Việt Nam dao động trong ngưỡng 3,58–3,8%, tức vẫn thấp hơn mức chỉ tiêu 4%. Và chỉ trong trường hợp Nga trả đũa Ukraine cộng với không có thoả thuận hạt nhân Iran, giá dầu đạt 105 USD một thùng, lạm phát Việt Nam mới ở kịch bản tệ nhất, là 4,18%.
Giới phân tích trong nước còn có ý kiến cho rằng, giá cả đang được bình ổn. Tại một cuộc hội thảo mới đây, ông Nguyễn Bá Khang, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin giám sát tài chính quốc gia (Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia), nhìn nhận lạm phát sẽ tăng nhưng không quá cao. Theo ông, nhờ VAT giảm và có một số mặt hàng kích cầu, giá cả đã được bình ổn, lạm phát ở một số ngành cũng được kìm chế. "Giá dầu tăng quá nhanh nên che lấp các tác động tích cực của các chính sách đã đề ra", vị này nói.
Người dân mua hàng tại siêu thị Co.opmart trên đường Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận). Ảnh: Quỳnh Trần
Nhưng cảm nhận của người tiêu dùng về lạm phát lại không lạc quan như giới phân tích. Hai tháng nay, Diễm, nhân viên truyền thông tại Hà Nội nói không dám đi xem phim dù đã không ngại Covid-19.
"Không lẽ đi một mình, mà nhà 3 người đi cũng hết 600.000-700.000 đồng một lần, tốn kém quá mức", chị nói. Chị cũng kể, gần đây đang đi xin quần áo, đồ dùng em bé để chuẩn bị cho đứa con thứ hai sắp chào đời. "Tôi không ky bo nhưng mọi thứ tăng giá, lương đứng im thì đỡ được cái gì hay cái đấy", chị kể.
Xăng tăng mạnh cũng khiến Hùng, kỹ sư 37 tuổi, chuyển từ ôtô sang đi xe máy để tiết kiệm. Trang, vợ anh, một tuần nay cũng chuẩn bị cơm trưa cho chồng. Trước đây, một tuần hầu như anh đều ra ngoài ăn trưa với đồng nghiệp. "Giờ phải cắt giảm những chi phí không cần thiết, vật giá leo thang quá mức", anh nói.
Minh, 28 tuổi, nhân viên một ngân hàng, nhận xét, nửa triệu đồng chỉ đủ tiền chợ 2 hôm. "Nếu ngày nào gia đình muốn ăn tươi thì chỉ được một buổi", cô nói. Trước đây, tiền đi chợ cho gia đình 5 người của Minh khoảng 1-1,5 triệu đồng một tuần, nay đã tăng thêm 15%.
Khảo sát của VnExpress hôm 15/3 với 9 mặt hàng thiết yếu cũng cho thấy, trừ giá thịt heo giảm, giá gạo tăng nhẹ, còn lại đều tăng mạnh trên hai chữ số so với năm ngoái.
So sánh giá một số mặt hàng thiết yếu hiện tại so với năm ngoái. Đồ hoạ: Tiến Thành
Vì sao cảm nhận về lạm phát của người dân và dự báo của chuyên gia, các định chế tài chính lại không giống nhau?
Chia sẻ với VnExpress, PGS. TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, giảng viên Đại học Kinh Tế TP HCM, cho rằng mấu chốt nằm ở độ trễ của những tác động. "Những dấu hiệu lạm phát do chi phí đẩy lập tức tác động lên tâm lý, hành vi của người dân. Nhưng khi hình thành dữ liệu, báo cáo chính thống, nó sẽ có độ trễ. Có thể phải đến quý II, III, thậm chí đến hết năm, kinh tế Việt Nam mới ngấm đòn lạm phát", ông nói.
Người dân xếp hàng chờ đổ xăng trên đường Láng (Hà Nội) hôm 10/3, một ngày trước khi giá xăng tăng mạnh 3.000 đồng mỗi lít lên 30.000 đồng - mức cao nhất lịch sử. Ảnh: Phạm Chiểu
Với Việt Nam, ông Bảo cho rằng, do xăng dầu là hàng hoá thiết yếu trong sinh hoạt, sản xuất nên mỗi lần điều chỉnh đều gây hiệu ứng lớn trong xã hội. Sự phá đỉnh liên tiếp của mặt hàng này, tiến sát 30.000 đồng một lít, cao nhất từ trước đến nay, đã tạo hiệu ứng truyền dẫn, khiến hàng loạt hàng hoá bị định giá lại.
"Trong đầu người dân giờ tâm niệm cái gì cũng đắt khiến nhiều mặt hàng dù chưa kịp bị tác động bởi chi phí xăng dầu đã tăng kiểu tát nước theo mưa", ông nói. Chuyên gia này nhìn nhận, lạm phát kỳ vọng và hiệu ứng truyền dẫn là khía cạnh đáng lo ngại nhất hiện tại.
Cách nhìn nhận của người dân với lạm phát cũng có thể cần theo dõi. Như trường hợp của Mỹ, New York Times phân tích, việc gia tăng áp lực tăng giá và chi phí nhiên liệu nhiều khả năng trở thành vấn đề nghiêm trọng với các nhà hoạch định chính sách, nếu thuyết phục được người tiêu dùng rằng tình trạng tăng giá sẽ kéo dài.
"Nếu mọi người kỳ vọng lạm phát cao, họ có thể thay đổi hành vi theo những cách chấp nhận thực tế này, rồi đồng ý với mức giá tăng và yêu cầu có sự điều chỉnh về nguồn thu nhiều hơn để theo kịp", New York Times bình luận.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, lạm phát kỳ vọng là yếu tố quan trọng tác động đến lạm phát thực tế. Ví dụ, nếu người dân tin rằng giá cả sẽ tăng thêm 3%, doanh nghiệp sẽ muốn tăng giá ít nhất 3% cho sản phẩm, dịch vụ, còn người lao động cũng mong chờ lương điều chỉnh thêm để bắt kịp. Như vậy, nếu kỳ vọng lạm phát tăng 1 điểm phần trăm, lạm phát thực tế cũng có khả năng tăng tương ứng.
Bên cạnh đó, các chuyên gia lưu ý cần có những điều chỉnh giúp ổn định tỷ giá, giá vàng trên thị trường. Người Việt Nam có thói quen nhìn vào giá vàng, giá USD khi đứng trước áp lực giá cả leo thang. Việc điều hành tỷ giá, giá vàng sắp tới, theo ông Bảo, là "cực kỳ nhạy cảm". Nếu sự biến động lớn, người dân sẽ lo ngại nhiều hơn, và hành vi bị xáo trộn của họ sẽ góp phần đẩy lạm phát lên cao hơn.Để hạn chế lạm phát, ông Bảo cho rằng cần phải đi từ chính sách vĩ mô nhằm ổn định tâm lý của người dân với vấn đề giá cả. Theo ông, việc giảm 50% thuế xăng dầu là một động thái tốt để hạ nhiệt tâm lý lo ngại giá hàng hoá leo thang. Tương tự, ông Nguyễn Xuân Định, Phó trưởng phòng Chính sách tổng hợp, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nhìn nhận, Quỹ bình ổn giá xăng dầu là công cụ hữu hiệu cho công việc điều hành giá trong nước.
nguồn : vnexpress.net