Để duy trì đơn hàng, doanh nghiệp chấp nhận cho đối tác trả chậm, dẫn đến nguy cơ các khoản phải thu biến thành nợ xấu lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Không chỉ ngân hàng mới đối diện nợ xấu, các doanh nghiệp cũng phát sinh các khoản phải thu từ đối tác hay khách hàng trong kinh doanh. Đây là khoản nợ doanh nghiệp cho nhau vay, còn gọi là tín dụng thương mại. Nhưng thay vì tiền mặt, họ vay hàng hóa hoặc dịch vụ và thường không chịu lãi suất.
Tín dụng thương mại phổ biến trong kinh doanh. Tuy nhiên, nếu các khoản phải thu tăng và khó đòi lại, nó sẽ biến thành nợ xấu và ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh, sức khỏe doanh nghiệp.
Quý đầu năm nay, Coteccons (CTD) ghi nhận các khoản nợ xấu vượt 2.200 tỷ đồng, tăng hơn 62% so với cùng kỳ 2023. Phần lớn trong số này đến từ Công ty Ngôi Sao Việt (thuộc Tân Hoàng Minh), Công ty Saigon Glory (chủ đầu tư siêu dự án đối diện chợ Bến Thành) và Công ty Minh Việt (chủ đầu tư Tricon Towers). Hiện, CTD phải trích lập dự phòng khoảng 58% các khoản nợ xấu kể trên, tức xác định rất khó để đòi lại.
Cùng ngành xây dựng, Hòa Bình (HBC) báo cáo đang trích lập gần 2.400 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi, gấp đôi so với cùng kỳ. Trong khi đó, doanh nghiệp này ghi nhận hơn 10.200 tỷ các khoản phải thu ngắn hạn, chiếm đến 70% tổng tài sản. Nhiều doanh nghiệp trong ngành xây dựng cũng đối mặt tình trạng phát sinh nợ khó đòi, phải trích lập dự phòng hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng khi thị trường bất động sản "đóng băng", chủ đầu tư "cạn túi".
Đại diện Coteccons cho biết vòng đời một dự án xây dựng trung bình khoảng 3 năm. Do đó, nợ xấu của họ tăng do cụm dự án ký từ giai đoạn trước năm 2022 - giai đoạn công ty vừa phục hồi và thị trường địa ốc bắt đầu khủng hoảng.
"Nợ xấu là một phần mà doanh nghiệp nào cũng phải đối mặt, Coteccons luôn có cách để kiểm soát nợ hiệu quả, không để ảnh hưởng đến tài chính và khả năng vận hành, kinh doanh", đại diện này chia sẻ.
Không chỉ nhóm xây dựng mới nặng gánh về tín dụng thương mại, các đơn vị ngành sản xuất như thép, hóa chất, dệt may... cũng gặp khó.
Công ty chuyên gia công và buôn thép SMC đang có hơn 1.300 tỷ đồng nợ khó đòi, gấp 13 lần so với quý I/2023. Dệt may Thành Công (TCM) cũng phải dự phòng trên 71 tỷ cho khoản phải thu ngắn hạn, gấp 178 lần cùng kỳ.
Đại diện ngành hàng không, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trích gần 6.400 tỷ đồng để dự phòng cho các khoản nợ, chủ yếu đến từ các hãng Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines. Con số này cao gấp 4 lần cùng kỳ.
Theo báo cáo năm 2023 của Atradius - một trong những hãng bảo hiểm tín dụng thương mại có thị phần lớn nhất thế giới, doanh nghiệp Việt chủ động áp dụng các biện pháp khác nhau, gồm tăng bán hàng trả chậm cho khách B2B (giữa các doanh nghiệp với nhau), để thích nghi với bối cảnh kinh doanh thay đổi.
Doanh số bán hàng tín dụng đạt trung bình 67% tổng doanh số B2B, tăng 21% so với năm trước. Đây cũng là mức cao nhất châu Á (trung bình của châu lục là 51%). Thời hạn thanh toán được nới lỏng, trung bình 34 ngày từ khi lập hóa đơn, chủ yếu để giữ lợi thế cạnh tranh.
Bán hàng trả chậm tăng lên đi kèm với nguy cơ nợ xấu. Theo báo cáo, lý do chính dẫn đến việc chậm thanh toán là tình trạng thiếu thanh khoản.
Tuy nhiên số hóa đơn thanh toán quá hạn chỉ ảnh hưởng đến 32% tổng doanh số B2B tại Việt Nam, so với mức 48% vào năm 2022. Nợ khó đòi giảm xuống đáng kể, tác động 1% trên tổng doanh số B2B.
Theo bà Vũ Thị Đức Hạnh - Giám đốc quốc gia Atradius tại Việt Nam, sự phục hồi kinh tế có thể tác động tích cực đến tình hình tài chính của các công ty, giúp họ trả nợ kịp thời. Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể áp dụng các chính sách tín dụng và biện pháp đánh giá rủi ro nghiêm ngặt, giúp thời gian thanh toán cải thiện.
Atradius ghi nhận các công ty đã dùng nhiều biện pháp, như dành thêm thời gian và nguồn lực để đòi nợ hay lùi hạn thanh toán cho nhà cung cấp, trích lập dự phòng để bù đắp những tổn thất có thể xảy ra. Một số sử dụng các dịch vụ từ ngân hàng như thư tín dụng (L/C), bao thanh toán (factoring) hay tham gia bảo hiểm tín dụng thương mại để giảm thiểu rủi ro.
Ngoài ra, các công ty cũng tự quản trị trước khi ký hợp đồng cung cấp hàng hóa và dịch vụ. Đơn cử Coteccons chọn đánh giá sức khỏe tài chính của chủ đầu tư, tìm hiểu dự án và khả năng bán hàng thu tiền, văn hóa của các đối tác trong quá trình làm việc.
nguồn : vnexpress.net