Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh, các cảnh báo về thiếu điện đã được đưa ra cách đây vài năm, trước khi diễn ra dịch Covid-19.
Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, trong các báo cáo thẩm tra của cơ quan này đã chỉ rõ "địa chỉ" chậm tại các dự án nguồn điện do các tập đoàn EVN, PVN và TKV triển khai đầu tư.
"Tình trạng thiếu điện có thể diễn ra nhiều hơn nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế phục hồi 6-7% như trước", ông nhìn nhận.
Ông Vũ Hồng Thanh nói thêm, Quốc hội khi tổng kết Nghị quyết 31 về dừng đầu tư hai nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, Ủy ban Kinh tế đã kiến nghị xem xét lại chủ trương đầu tư lĩnh vực này. Bởi, việc phát triển các nguồn điện, nhất là năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời) vừa qua đã tác động tới nguồn cung, lưới hệ thống điện.
Theo ông, nguồn điện tái tạo chỉ "phát có mức độ, chiếm tỷ trọng nhất định trong tổng đầu tư chứ không thể phát triển ồ ạt".
"Năng lượng tái tạo phát triển nhiều ở vùng không có phụ tải, phải truyền tải đi xa, muốn làm vậy phải có quy hoạch, kế hoạch, chiến lược đầu tư rõ ràng. Còn đầu tư rồi, không đồng bộ với truyền tải thì không được", ông Thanh nêu quan điểm.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Hoàng Phong
Điều này cũng được Chính phủ thừa nhận khi đánh giá về phát triển nguồn điện tại quy hoạch VII điều chỉnh. Theo đó, tổng công suất đặt nguồn điện năm 2019 là 56.000 MW tăng lên 69.300 MW vào 2020 nhờ sự phát triển của điện mặt trời (gồm điện mặt trời mái nhà).
Hiện miền Bắc chậm tiến độ hơn 3.000 MW nguồn nhiệt điện, miền Nam hơn 3.600 MW nhưng lại vượt gần 14.000 MW điện mặt trời. Trong khi đó, năng lượng tái tạo là nguồn điện biến đổi, phụ thuộc thời tiết, nên lượng điện năng thấp hơn 1/3 so với các nguồn điện truyền thống, như điện than.
Sự phân bổ không đều nguồn điện, khi tập trung quá nhiều nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) ở khu vực miền Trung - nơi có nhu cầu dùng điện thấp, và miền Nam cũng gây mất cân bằng cung - cầu miền, tạo sức ép lên lưới truyền tải, gây ra hiện tượng nghẽn mạch cục bộ, phải giảm phát điện tái tạo ở một số thời điểm.
Đây cũng là lý do nguồn năng lượng tái tạo vận hành nhiều, chiếm gần 27% công suất đặt toàn hệ thống điện vào cuối 2022 và cung ứng khoảng 15% nguồn huy động, nhưng điện tại miền Bắc vẫn thiếu.
Mặt khác, một số dự án nguồn nhiệt điện ở hai miền Bắc và Nam chậm tiến độ, gây nguy cơ thiếu điện và khó khăn trong vận hành do thiếu công suất nguồn dự phòng, nhất là miền Bắc đến 2025.
Bà Đỗ Thị Lan, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ có đánh giá toàn diện về thực hiện kế hoạch chiến lược cung cầu điện cho sản xuất, phát triển kinh tế xã hội. "Chính phủ cần có giải pháp cụ thể khắc phục tình trạng thiếu điện. Kể cả biến đổi khí hậu hay tình thế bất thường, cực đoan khác, cũng phải có giải pháp ứng phó", bà nói.
Đặt trong bối cảnh thực hiện Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng sẽ có nhiều bài toán đặt ra về phát triển nguồn, lưới điện để đảm bảo cung ứng điện năng cho phát triển kinh tế xã hội, giảm phát thải ròng về 0 theo cam kết tại Hội nghị COP 26.
Chẳng hạn, thủy điện không còn dư địa phát triển, điện than cũng cần giảm dần. Do đó, việc ứng xử với điện than cũng là câu chuyện phải tính. "Nghị quyết 55, cam kết COP 26 có cả rồi, giờ cần có kế hoạch cụ thể và nguồn tài chính để thực hiện", ông nói.
Từ đầu tháng 6 tới nay, người dân Hà Nội cũng như các tỉnh thành miền Bắc thường xuyên bị mất điện. Lượng điện tiêu thụ bình quân cả nước đạt gần 820 triệu kWh một ngày trong tháng 5, tăng hơn 20% so với tháng 4. Riêng Hà Nội, điện tiêu thụ bình quân tháng 5 là hơn 75,4 triệu kWh, tăng 22,5% so với tháng 4. Đến 8/6, mức tiêu thụ bình quân đạt hơn 85,6 triệu kWh.
Thủy điện - một trong hai nguồn điện chính cung ứng cho Hà Nội đang sụt giảm huy động do hạn hán, các hồ thủy điện cạn nước. Theo Bộ Công Thương, hiện có 11 nhà máy thủy điện phải dừng phát điện, trong đó 5 nhà máy ở miền Bắc phải dừng là Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Thác Bà, Tuyên Quang. Đây là lý do gây thiếu hụt công suất điện cho miền Bắc khoảng 5.000 MW.
Bộ Công Thương cho hay, miền Bắc sẽ thiếu 30,9 - 50,8 triệu kWh một ngày, và nguy cơ thiếu điện tại hầu hết giờ trong ngày. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia dự báo các hồ thủy điện còn "khát" nước trong 10 ngày tới khi lưu lượng nước về hồ rất thấp.
nguồn : vnexpress.net