Kinh tế quý II khu vực đồng euro chỉ tăng 0,2% so với quý I, yếu hơn ước tính trước đó của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat).
Tăng trưởng của khối 20 nước dùng đồng tiền chung euro thấp hơn ước tính ban đầu là 0,3% của Eurostat, một phần do tăng trưởng yếu hơn ở Pháp - nền kinh tế lớn chứ hai EU. Cùng với đó là ảnh hưởng của Ireland, với GDP quý II giảm cao nhất, ở mức 1%, ngược với dự kiến đi lên mạnh mẽ.
GDP quý II của cả Liên minh châu Âu (EU) - gồm 27 nước - cũng tăng 0,2% so với quý I. Ba tháng đầu năm, tăng trưởng của eurozone và EU cao hơn, đạt 0,3%.
Tình hình cho thấy tăng trưởng ở châu Âu đang kém hơn đáng kể so với Mỹ và Anh trong cùng giai đoạn. Kinh tế Mỹ quý trước tăng lần lượt 0,7% và 3,1% so với quý I và cùng kỳ năm ngoái.
Đầu tư lẫn tiêu dùng ở EU suy giảm 3 tháng qua, là dấu hiệu cho thấy lãi suất cao đang làm giảm nhu cầu. Tăng trưởng chủ yếu được thúc đẩy bởi xuất khẩu và chi tiêu chính phủ, theo Eurostat.
Các khảo sát và dữ liệu gần đây dự báo kinh tế châu Âu tiếp tục suy yếu trong quý này. Ngày càng có nguy cơ rằng Đức - nền kinh tế lớn nhất trong khu vực - suy thoái, sau khi GDP giảm 0,1% quý II.
Tăng trưởng kinh tế yếu đi đặt ra thách thức cho Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB). Sau đợt cắt giảm lãi suất cơ bản lần đầu kể từ 2019 hồi tháng 6, giới đầu tư kỳ vọng ECB sẽ tiếp tục giảm lãi suất khi nhóm họp vào tuần tới.
Một quán cà phê tại Copenhagen, Đan Mạch, sau khi các biện pháp phòng chống Covid-19 được nới lỏng hôm 21/4. Ảnh: Reuters.
Một số nhà hoạch định chính sách châu Âu muốn tiến hành nới lỏng tiền tệ một cách chậm rãi. Họ lập luận rằng nền kinh tế khu vực đồng euro không cần hỗ trợ khẩn cấp và lạm phát có thể được kiểm soát mà không cần giảm sản lượng hoặc việc làm, tức một kịch bản "hạ cánh cứng".
"Dù rủi ro đối với tăng trưởng đã gia tăng, nhưng hạ cánh mềm vẫn có khả năng xảy ra hơn suy thoái", Isabel Schnabel, thành viên ban điều hành ECB, phát biểu gần đây. "Hạ cánh mềm" là thuận ngữ chỉ nền kinh tế giảm tốc độ tăng trưởng một cách từ từ và có kiểm soát mà không dẫn đến suy thoái.
Nhưng số khác cho rằng eurozone có rủi ro sẽ rơi vào suy thoái hoặc đình trệ nếu không giảm chi phí vay với tốc độ nhanh hơn. Sau số liệu tăng trưởng do Eurostat công bố, Peter Vanden Houte, chuyên gia của Ngân hàng ING, dự đoán ECB sẽ ủng hộ quan điểm này. "Dựa trên triển vọng tăng trưởng yếu hơn, chúng tôi hiện tin rằng ECB sẽ tăng tốc độ nới lỏng tiền tệ", ông nói.
nguồn : vnexpress.net