Quy mô nền kinh tế châu Âu và Mỹ ngày càng chênh lệch nhau khi lục địa già không có nhiều lợi thế về năng lượng và nguồn lực vốn.
Từ năm 1960 đến 2008, GDP của Mỹ và châu Âu tương đối song hành với nhau, dù lục địa già có những giai đoạn gập ghềnh hơn so với đà đi lên thẳng tiến của Mỹ. Vào 2008, khoảng cách GDP của hai nền kinh tế đôi bờ Đại Tây Dương không đáng kể, với Mỹ và châu Âu lần lượt là 14.770 tỷ USD và 14.160 tỷ USD theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tính theo giá hiện hành.
Tuy nhiên, 15 năm trôi qua, GDP của châu Âu vẫn không mấy thay đổi, đạt 14.040 tỷ USD năm ngoái. Trong khi đó, nền kinh tế số một thế giới đã đạt đến quy mô 25.460 tỷ USD. Như vậy, nền kinh tế châu Âu hiện chỉ bằng hơn 55% của Mỹ.
Quy mô GDP của Mỹ (xanh dương) và châu Âu (xanh lá). Đơn vị: nghìn tỷ USD. Đồ họa: World Bank
Trung tâm Kinh tế Chính trị Quốc tế châu Âu (ECIPE) - tổ chức tư vấn có trụ sở tại Brussels, vào tháng 7 đã công bố bảng xếp hạng GDP bình quân đầu người các bang Mỹ và các nước châu Âu.
Kết quả, Italy cao hơn Mississippi, bang nghèo nhất của Mỹ. Pháp khá hơn một chút với GDP đầu người nằm giữa Idaho và Arkansas, hai bang xếp hạng 48 và 49 về chỉ số này. Trong khi, đầu tàu kinh tế châu Âu là Đức nằm giữa Oklahoma và Maine, hai bang đứng thứ 38 và 39 của Mỹ.
Trong một bài viết tiêu đề "Có phải nước Anh thực sự nghèo như Mississippi?" trên Financial Times vào tháng trước, kết quả các số liệu được lấy từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) chỉ ra rằng, GDP bình quân đầu người của Anh cao hơn Mississippi 15% trong hai thập kỷ qua. Tuy nhiên, chỉ số này cũng chỉ xếp trên khoảng 6 bang nghèo nhất của Mỹ.
Nhưng việc tập trung vào so sánh cũng chưa phản ánh hết xu hướng bên dưới không kém phần rắc rối về cấu thành nền kinh tế ở một số nước châu Âu xét theo các đơn vị hành chính. Có một đặc điểm chung là sự phụ thuộc kinh tế vào số ít địa phương trong quốc gia ở vài nước châu Âu tương đối cao.
Tại Anh, nếu loại bỏ đóng góp của London thì GDP đầu người nước này giảm đến 14%, đủ để thấp hơn bang nghèo nhất của Mỹ. Với Hà Lan, thiếu Amsterdam thì GDP đầu người toàn quốc giảm 5%. Kết quả tại Đức sẽ giảm 1% nếu thiếu thành phố năng suất nhất là Munich. Trong khi đó, nếu không tính khu vực vịnh San Francisco, từ cầu Golden Gate đến Cupertino thì GDP bình quân đầu người toàn liên bang Mỹ sẽ chỉ giảm 4%.
Trường hợp của Anh, với quan điểm lấy London làm trung tâm hàng thập kỷ cho mọi thứ từ tài chính, văn hóa đến chính trị đã tạo ra sự miễn cưỡng trong việc cho phép bất kỳ khu vực nào khác vươn lên đủ mạnh và đặt ra vấn đề rằng nước này cần nhiều hơn một động cơ kinh tế là thủ đô.
Ở cấp độ châu lục, giống như sau mỗi cuộc khủng hoảng trong lịch sử, châu Âu đã một lần nữa trì trệ kể từ Covid-19. Sức mạnh kinh tế của lục địa già "được tôn trọng" chừng nào Đức còn khỏe, theo Le Monde. Tuy nhiên, nền kinh tế Đức đang gặp nhiều thách thức từ khi Nga cắt khí đốt và lập trường cứng rắn hơn của Trung Quốc - thị trường tiêu thụ hàng xuất khẩu hàng đầu của Đức.
Trong khi đó, người Mỹ không lo lắng đến những vấn đề này. Họ có nguồn năng lượng khổng lồ, là nhà sản xuất 20% lượng dầu thô của thế giới, so với 12% của Arabia Saudi và 11% của Nga.
"Với họ, Trung Quốc là khu vực thầu phụ, không phải là lối thoát cho các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Chiến thắng của Tesla đang khiến Mercedes và BMW trông lỗi thời", Arnaud Leparmentier, phóng viên thường trú của Le Monde tại New York (Mỹ) bình luận.
Một nhân viên treo quốc kỳ Mỹ trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đến dự cuộc họp của Hội đồng Châu Âu tại Brussels, Bỉ, ngày 24/3/2022. Ảnh: Xinhua
Cuộc sống cổ điển ngọt ngào ở châu Âu từ lâu được người bên ngoài ghen tị dần mất đi vẻ hào nhoáng khi sức mua của khu vực này giảm dần, theo Wall Street Journal. Năm 2008, sức mua ở châu Âu và Mỹ ngang bằng nhau. Ngày nay, khoảng cách là 57%. Mức lương trung bình của người Mỹ hiện vào khoảng 77.500 USD, gần gấp 1,5 lần mức lương 52.800 USD của người Pháp.
Tại Hội đồng châu Âu Lisbon năm 2000, khu vực này đặt tham vọng trở thành "nền kinh tế dựa trên tri thức năng động và cạnh tranh nhất thế giới" vào năm 2010. Và thập kỷ 2000 thực sự là thập kỷ của tri thức, nhưng ở Mỹ.
Với sự bùng nổ của Google, Apple, Facebook, Amazon và bây giờ là trí tuệ nhân tạo, sự thịnh vượng được phản ánh trên Phố Wall. Apple trị giá 2.800 tỷ USD, Microsoft 2.400 tỷ USD, Meta và Tesla trị giá 750 tỷ USD.
Làm thế nào hãng xe Renault (Pháp) trị giá 12 tỷ USD có thể hy vọng cạnh tranh với Elon Musk, người đang xây các nhà máy trị giá 5-10 tỷ USD là một câu hỏi lớn. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công bố khoản đầu tư 200 triệu euro cho vũ trụ ảo (metaverse) vào năm 2030, trong khi nhà sáng lập Meta đã đầu tư hơn 30 tỷ USD cho công nghệ này.
Với trí tuệ nhân tạo, theo Đại học Stanford, đầu tư tư nhân ở Pháp ở mức 1,7 tỷ USD vào năm 2022 so với 47 tỷ USD ở Mỹ. "Người châu Âu nghèo hơn và thiếu nguồn lực tài chính nên có thể sớm bị loại khỏi cuộc chơi", Le Monde lo ngại.
Năm 1990, châu Âu sản xuất 44% chất bán dẫn của thế giới. Con số đó hiện nay là 9%; so với 12% của Mỹ. Cả EU và Mỹ đều đang gấp rút tăng cường năng lực của mình. Nhưng trong khi Mỹ dự kiến có 14 nhà máy bán dẫn mới đi vào hoạt động vào 2025 thì châu Âu bổ sung chưa tới 10 nhà máy, so với 43 cơ sở mới ở Trung Quốc và Đài Loan.
Vị thế của USD là đồng tiền dự trữ của thế giới mang lại cho Mỹ khả năng tài trợ vốn cho tham vọng phát triển. Như một nhà công nghiệp châu Âu đã nói: "Họ chỉ cần quẹt thẻ tín dụng". Ngược lại, EU có ngân sách nhỏ hơn nhiều và chỉ mới bắt đầu phát hành nợ chung.
Vốn tư nhân cũng sẵn có hơn nhiều ở Mỹ. Paul Achleitner, Chủ tịch ban cố vấn toàn cầu của Deutsche Bank, nói rằng châu Âu hiện "gần như hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường vốn của Mỹ". Châu Âu có rất ít quỹ hưu trí lớn mang lại chiều sâu cho thị trường vốn như Mỹ. Họ cũng bàn nhiều về việc thành lập một "liên minh thị trường vốn" nhưng còn ít tiến triển.
Vậy châu Âu còn những gì đang dẫn đầu thế giới? Đầu tiên, nhờ quy mô của thị trường chung EU lớn nên các công ty trên toàn thế giới vẫn phải áp dụng các quy định của khối này, theo cái gọi là "hiệu ứng Brussels".
Châu Âu cũng giỏi trong các ngành công nghiệp "lối sống". Gần hai phần ba lượng khách du lịch trên thế giới đến từ châu Âu. Thị trường hàng xa xỉ bị chi phối bởi các công ty châu Âu. Bóng đá, môn thể thao phổ biến nhất thế giới, bị thống trị bởi các đội châu Âu - mặc dù nhiều câu lạc bộ lớn nhất hiện thuộc sở hữu của các nhà đầu tư Trung Đông, Mỹ hoặc châu Á.
Sự thống trị của châu Âu trong các ngành công nghiệp lối sống cho thấy rằng cuộc sống ở lục địa già vẫn hấp dẫn nhiều người. Nhưng có lẽ đó là một phần của vấn đề. Nếu không có cảm giác bị đe dọa lớn hơn, châu Âu có thể không bao giờ có đủ ý chí để đảo ngược sự suy giảm không thể tránh khỏi về quyền lực, ảnh hưởng và sự giàu có của mình, theo Financial Times.
nguồn : vnexpress.net