Các nước G7 muốn giới hạn giá bán dầu khí Nga, nhưng Ấn Độ, Trung Quốc có thể không hợp tác, còn Nga cũng sẵn sàng ngừng bán ra.
Hôm 28/6, lãnh đạo các nước G7 thống nhất nghiên cứu áp giá trần với dầu khí Nga, để hạn chế khả năng Moskva cấp tiền cho chiến dịch quân sự tại Ukraine. Các lãnh đạo G7 cho rằng biện pháp này sẽ hạn chế mức giá mà Nga bán được, đồng thời vẫn cho phép người tiêu dùng phương Tây được cung cấp dầu khí.
Dù vậy, giới chuyên gia cho rằng đây là việc nói dễ hơn làm. Một cơ chế tương tự từng được thiết lập trong chương trình dầu đổi thực phẩm, do Liên Hợp quốc (UN) thực hiện năm 1995 với Iraq.
Chương trình này là ý tưởng của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, để vừa đáp ứng nhu cầu của dân thường Iraq, vừa ngăn chính quyền Saddam Hussein tài trợ cho quân sự.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ký tên lên một đường ống khí đốt tại Vladivostok, Nga. Ảnh: AFP
Khi đó, bên mua dầu trả tiền vào một tài khoản của ngân hàng BNP Paribas. Số tiền này sẽ được sử dụng để bồi thường chiến tranh cho Kuwait và chi trả cho các hoạt động của UN tại Iraq. Phần còn lại, Iraq sẽ được phép mua các mặt hàng giới hạn. Dù vậy, chương trình này kém hiệu quả vì tham nhũng tràn lan.
Thời điểm đó, Liên Hợp quốc thống nhất áp dụng biện pháp này với chính quyền Saddam Hussein. Nhưng hiện tại, cơ quan này lại chia rẽ với chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan nằm trong nhóm 35 nước từ chối chỉ trích Nga vì vấn đề Ukraine. Trung Quốc và Ấn Độ còn là những quốc gia mua dầu Nga mạnh nhất khi châu Âu giảm nhập khẩu.
Quan chức phương Tây cho biết họ vừa muốn giảm lợi nhuận của Nga vừa muốn nước này vẫn duy trì sản xuất. Để làm được việc đó, họ khuyến khích mua dầu ở mức cao hơn chi phí sản xuất một chút.
Hiện tại, nguồn thu từ dầu khí của Nga còn cao hơn trước xung đột, do giá thế giới leo thang bù lại tác động của các lệnh trừng phạt. Tamas Varga tại hãng môi giới dầu PVM cho biết ý tưởng áp trần giá bán được đưa ra dựa trên thực tế rằng lệnh cấm dầu Nga đã phản tác dụng.
Tuy nhiên, việc lập nhóm mua để siết nguồn thu của Nga mà vẫn đồng thời giải quyết được áp lực lạm phát từ giá dầu là điều rất thách thức. "Biến số lớn nhất là phản ứng của Tổng thống Nga Vladimir Putin", Varga cho biết.
Nếu ông Putin quyết định giảm xuất khẩu dầu hoặc khí đốt, kế hoạch sẽ lại phản tác dụng và khiến giá tăng. "Đó sẽ là kịch bản thảm họa, cả với châu Âu lẫn Nga", Varga dự báo.
Với việc giá dầu Brent đang ở mức 110-120 USD một thùng, dầu Nga hiện bán rẻ hơn 30-40 USD, khiến Trung Quốc và Ấn Độ tích cực gom hàng.
"Các nước G7 muốn giảm nguồn thu từ dầu của Nga. Việc này đồng nghĩa phải áp giá trần thấp hơn rất nhiều mức giá hiện tại. Một số nhà hoạt động ủng hộ việc này, với lý do chi phí sản xuất của Nga thấp và Nga sẵn sàng bán dầu ở bất kỳ mức giá nào trên chi phí", Richard Mallinson tại Energy Aspects cho biết. Thậm chí, các công ty Nga chỉ cần bán ở mức 25 - 30 USD một thùng là đã có lãi.
Cả Mallison và nhà phân tích Louise Dickson từ Rystad Energy đều cho rằng việc áp giá trần có thể thực hiện qua hoạt động bảo hiểm. Các tàu chở hàng cần hợp đồng bảo hiểm Bảo vệ và Bồi thường (P&I) để phòng trường hợp bị đòi bồi thường về thương tật hay thiệt hại môi trường. Họ cũng cần hợp đồng về vỏ tàu và máy móc để chi trả các thiệt hại vật lý.
Các hãng bảo hiểm châu Âu và Mỹ thống trị thị trường hàng hải quốc tế. Tuy nhiên, châu Âu đã cấm bảo hiểm đối với các tàu chở nhiên liệu của Nga.
Vì thế, người mua dầu Nga có thể được các công ty châu Âu chấp nhận bảo hiểm nếu trả tiền bằng hoặc thấp hơn mức giá trần mà G7 đưa ra. Dù vậy, việc này cũng không dễ.
"Nga có thể phản ứng bằng cách không bán ở mức giá đó, đặc biệt nếu giá sát chi phí sản xuất", Dickson nói, "Trên thực tế, ông Putin thể hiện Nga sẵn sàng ngừng cung cấp khí đốt cho các nước EU từ chối đáp ứng yêu cầu thanh toán".
Bên cạnh đó, Trung Quốc - nước mua dầu Nga hàng đầu thời gian qua - cũng có thể chấp nhận việc doanh nghiệp Nga bảo hiểm cho tàu dầu nước này, không cần đến sự hiện diện của công ty Âu, Mỹ. Công ty Tái Bảo hiểm Quốc gia Nga (RNRC) đã trở thành hãng tái bảo hiểm chính cho các tàu Nga.
"Một số hãng bảo hiểm Nga có thể đưa ra các chương trình tái bảo hiểm được hỗ trợ bởi quỹ quốc gia Nga, Trung Quốc hoặc cả hai. Việc này trên lý thuyết là khả thi. Nó còn tùy thuộc vào quan điểm chính trị và thị trường mà Nga muốn tập trung xuất khẩu", Mike Salthouse – Giám đốc Bồi thường tại North (một thành viên của International Group – hiệp hội các hãng bảo hiểm cung cấp P&I cho khoảng 90% tàu trên biển) – cho biết.
Ấn Độ cũng đã cấp chứng chỉ an toàn cho hàng chục tàu, từ đó giúp dầu Nga xuất khẩu được nhiều hơn. "Nga và các khách mua đã tìm ra giải pháp với hoạt động bảo hiểm rồi. Họ kết hợp giữa các hãng bảo hiểm địa phương và sự bảo lãnh của chính phủ. Vì thế, cơ chế này khó áp được trần giá bán", Mallison cho biết.
Bên cạnh đó, các hãng bảo hiểm châu Âu chưa chắc muốn tham gia, kể cả được cho phép, vì không muốn gánh trách nhiệm theo dõi giá trần. EU cũng sẽ phải chỉnh sửa các lệnh trừng phạt đã được thông qua cuối tháng 5. Mà việc này đòi hỏi tất cả các nước cùng đồng ý.
"Việc đàm phán hồi tháng 5 đã khó khăn lắm rồi. Nếu mở lại thảo luận về vấn đề này, Hungary và các nước khác sẽ có cơ hội thúc đẩy nhượng bộ với Nga", Mallison kết luận.
nguồn : vnexpress.net