Ông Vương Đình Huệ đánh giá, nửa năm 2022 đã trôi qua nhưng vẫn chưa có danh mục dự án dùng vốn từ gói phục hồi kinh tế và các dự án giải ngân chậm.
Nhận xét này được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu khi khai mạc phiên họp thứ 11 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, sáng 11/5.
Tại phiên họp này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận về bổ sung kế hoạch ngân sách trung ương năm 2022 cho các bộ, ngành, địa phương. Đây là một trong số nhóm nội dung triển khai Nghị quyết 43 về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế xã hội 2022 - 2023 có quy mô gần 350.000 tỷ đồng.
Nghị quyết 43 yêu cầu đảm bảo điều hoà vốn đầu tư công trong kế hoạch trung hạn 2021-2025 và nguồn vốn đầu tư công trong chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế. Việc này để ưu tiên vốn cho các chương trình, dự án có tính lan toả, khả năng hấp thụ vốn, giúp tăng liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng...
Ông Huệ nhận xét, đã gần nửa năm 2022 tiến độ giải ngân gói phục hồi kinh tế còn chậm. Đến nay mới bổ sung khoảng 18.000 tỷ đồng vốn các dự án thuộc chương trình thì "không nhằm nhò gì".
"Chúng tôi rất băn khoăn, lo lắng. Lúc trình ai cũng nói giải ngân được trong 2 năm, cơ chế chính sách đặc thù cũng đã có, không hiểu vì sao chậm", Chủ tịch Quốc hội nói.
Ông nói thêm, nếu hết năm 2023 không giải ngân được sẽ trình Quốc hội dừng lại, và "nếu cứ chuyển nguồn thì không đúng là gói kích thích kinh tế". "Chuyển nguồn" là việc chuyển các khoản chi đã có trong dự toán năm trước nhưng không chi hết cho năm sau. Vì thế, ông đề nghị Chính phủ giải trình kỹ việc chậm điều hoà vốn này.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp 11, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, ngày 11/5. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Việc chậm triển khai chương trình phục hồi kinh tế cũng được ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế (cơ quan thẩm tra của Quốc hội) nêu trong quá trình thẩm tra báo cáo kinh tế xã hội của Chính phủ. Theo ông Thanh, việc thực hiện nhiệm vụ của chương trình phục hồi kinh tế tại một số bộ, ngành cũng đang dừng lại ở rà soát hoặc đang trong quá trình dự thảo, lấy ý kiến.
Theo Nghị quyết 43, Chính phủ phải rà soát, hoàn thiện danh mục các dự án, chương trình sử dụng vốn từ chương trình phục hồi kinh tế và trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước khi phân bổ. Nhưng tới giờ danh mục này chưa hoàn thành.
Trước mắt, Chủ tịch Quốc hội cho biết Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét nội dung này để sử dụng vốn linh hoạt cho các dự án có khả năng giải ngân nhanh, phát huy hiệu quả chương trình, nhưng Chính phủ cần sớm bổ sung danh mục tổng thể.
"Nếu chỉ thảo luận về phân bổ vốn cho các bộ, ngành, địa phương mà chưa biết danh mục sẽ thế nào, tức là chỉ nói phần ngọn, gốc chưa biết", ông nói và đề nghị Thường vụ Quốc hội thảo luận, nếu nội dung nào chưa đủ điều kiện thì có thể bố trí thêm buổi họp khác khi Chính phủ trình đủ hồ sơ.
Việc chưa thống nhất trình danh mục, phương án phân bổ vốn đầu tư công, chưa có phương án điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn đầu tư công của chương trình và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025..., Uỷ ban Kinh tế nhận xét, ảnh hưởng đến kết quả hỗ trợ 2% cho tăng trưởng GDP năm 2022, khó hoàn thành yêu cầu triển khai gói phục hồi kinh tế trong 2 năm.
Trong gói hỗ trợ kinh tế, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) trong năm 2022 được xem mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả doanh nghiệp và người dân. Nếu chính sách này phát huy hết hiệu quả sẽ giúp lạm phát giảm khoảng 1%. Song, thực tế triển khai, theo Ủy ban Kinh tế, còn những vướng mắc trong rà soát, đối chiếu, xác định cụ thể hàng hóa dịch vụ được hưởng giảm thuế VAT cũng như việc xuất hóa đơn thuế VAT.
"Đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn tiến độ triển khai, những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân; đưa ra giải pháp đột phá, lộ trình hoàn thành các nhiệm vụ theo Nghị quyết của Quốc hội", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Giải trình sau đó, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội "nhiều việc làm nhanh, nhưng cũng có việc làm chậm trong bối cảnh vừa kiểm soát, vừa khắc phục tác động từ dịch Covid-19".
Về thực hiện các dự án, chương trình thuộc gói phục hồi kinh tế, theo lãnh đạo Chính phủ, ngoài nguồn tài chính 46.000 tỷ đồng dự kiến dành cho mua vaccine, phòng chống dịch, "còn lại cơ bản đã triển khai hết".
Chẳng hạn, chính sách hơn 38.000 tỷ đồng cho tín dụng xã hội. Khoản hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng thông qua ngân hành thương mại với doanh nghiệp, hợp tác xã... sẽ được ban hành trong vài ngày tới. Sau đó Chính phủ sẽ phát hành trái phiếu để có nguồn xử lý sớm.
Do đó, việc chậm triển khai và vướng mắc chủ yếu hiện nay, theo Phó thủ tướng Lê Minh Khái, nằm ở rà soát danh mục đầu tư dự án, chương trình dùng vốn gói phục hồi kinh tế. Lý do là Bộ Y tế đã rà soát chậm các dự án ở địa phương cho y tế dự phòng, y tế cơ sở nằm trong chương trình sử dụng vốn của gói phục hồi, khoảng 14.000 tỷ đồng. Việc này khiến hoàn thiện danh mục dự án dùng vốn từ gói phục hồi kinh tế bị chậm. Hiện Thủ tướng đã giao Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, sớm hoàn thành việc rà soát số dự án thuộc danh mục của Bộ Y tế.
"Làm chính sách khó, trong hơn 3 tháng làm được những chính sách như vậy là nhiều cố gắng. Việc chậm phần lớn ở các dự án cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông", ông Khái nêu và cho biết sẽ yêu cầu Bộ Kế hoạch & Đầu tư cùng các bộ, ngành sớm triển khai.
Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, xã hội được thông qua hồi tháng 1 có 5 giải pháp chính, gồm: mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư, nâng cao năng lực y tế phòng chống dịch bệnh; đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ đầu tư công và phục hồi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; và cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Nội dung khác sẽ được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận tại phiên họp này, là việc trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; dự án Vành đai 3 TP HCM; các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa -Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa -Vũng Tàu (giai đoạn 1).
Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là 5 dự án quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội về chủ trương đầu tư. Các dự án này có sử dụng đa dạng nguồn vốn ngân sách trung ương và địa phương, vốn đầu tư trung hạn và gói kích thích kinh tế cũng như các nguồn vốn hợp pháp khác.
Lãnh đạo Quốc hội đề nghị làm rõ việc phân kỳ đầu tư, hình thức cơ cấu các nguồn vốn và đặc biệt là tính khả thi, tránh tình trạng có chủ trương đầu tư rồi lại không triển khai được. Ông cũng đề nghị Kiểm toán Nhà nước sớm có báo cáo về 5 dự án quan trọng quốc gia này và chịu trách nhiệm về những ý kiến của mình.
Ngoài ra, cơ quan thường trực Quốc hội cũng cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng khác, như thành lập thị trấn Phương Sơn thuộc huyện Lục Nam và thành lập thị trấn Bắc Lý thuộc huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang; dự kiến phương án phân bổ vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia...
nguồn : vnexpress.net