Sản lượng khí đốt của Mỹ dồi dào, nhưng không thể thay thế Nga ngay lập tức vì hạ tầng xuất nhập khẩu hai bờ Đại Tây Dương hạn chế.
Mỹ hôm 25/3 cho biết sẽ làm việc với các nhà cung cấp để gửi thêm 15 tỷ m3 khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tới châu Âu trong năm nay. Giới chuyên gia năng lượng cho biết các cảng xuất khẩu LNG của Mỹ đang hoạt động rất tích cực, giúp mục tiêu của Nhà Trắng trở nên khả thi.
"Việc tăng 15 tỷ m3 khí so với năm 2021 là có thể đạt được, đặc biệt nếu dòng chảy khí đốt tiếp tục mạnh như năm nay", các chiến lược gia hàng hóa tại ngân hàng ING của Hà Lan đánh giá.
Tuy nhiên, thực tế là 15 tỷ m3 khá nhỏ so với lượng khí đốt mà châu Âu nhập từ Nga năm ngoái (155 tỷ mét khối). Nhưng dù sao, đó cũng là một sự khởi đầu.
"15 tỷ m3 là một con số lớn. Nó bằng khoảng một phần sáu nhu cầu khí đốt hàng năm của Đức", Alex Froley - nhà phân tích LNG tại Independent Commodity Intelligence Services cho biết.
Một bể chứa tại nhà ga tiếp nhận LNG ở Panigaglia, Italy. Ảnh: NYT
Việc Mỹ có thể hỗ trợ châu Âu về khí đốt là thành tựu khá nổi bật. Nước này chỉ mới bắt đầu xuất khẩu lô LNG đầu tiên từ các bang vùng hạ (tức 48 bang tại Bắc Mỹ trừ Alaska) năm 2016. Và chỉ sau 6 năm, họ đã trở thành nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới, nhờ cách mạng dầu đá phiến thúc đẩy sản lượng trong nước, đưa Mỹ thành cường quốc năng lượng toàn cầu.
Tháng 12 năm ngoái, Mỹ lần đầu tiên xuất khẩu LNG nhiều hơn các đối thủ như Qatar và Australia. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, nước này sẽ là nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới năm nay.
"Mỹ có nguồn cung khí đốt dồi dào, môi trường chính trị và pháp lý thuận lợi, ngành xây dựng có kinh nghiệm và năng lực. Nhờ đó, nước này trở thành một trong những địa điểm hấp dẫn nhất để tăng thêm năng lực xuất khẩu", Ed Crooks - Phó chủ tịch phụ trách châu Mỹ của Woods Mackenzie đánh giá.
Giá khí đốt ở châu Âu tăng đột biến đã thu hút các hãng xuất khẩu Mỹ từ trước khi chính quyền Biden đưa ra tuyên bố hôm qua. Liên minh châu Âu đã nhập khẩu hơn 12 tỷ m3 LNG từ Mỹ trong ba tháng đầu năm, tăng so với 4 tỷ m3 cùng kỳ năm 2021, theo Froley. Điều đó có nghĩa là thị trường đã tự động đi trước rất nhiều so với mục tiêu của Biden.
Tuy nhiên, vấn đề khó hơn là hạ tầng. Vài tháng gần đây, các nhà xuất khẩu của Mỹ, với sự khuyến khích của Tổng thống Mỹ Joe Biden, đã tối đa hóa sản lượng nhà máy để biến khí tự nhiên thành LNG nhằm vận chuyển trên các tàu chở dầu lớn. Họ đã chuyển hướng các chuyến hàng ban đầu đi từ châu Á sang châu Âu.
Dù vậy, các chuyên gia năng lượng cho rằng việc xây dựng đủ các bến cảng ở cả hai bờ Đại Tây Dương để mở rộng đáng kể việc xuất khẩu LNG sang châu Âu có thể mất 2 - 5 năm. "Trong thời gian tới, thực sự không có lựa chọn nào tốt hơn việc đề nghị một hoặc hai khách hàng châu Á từ bỏ nhu cầu để chuyển sản lượng đó cho châu Âu", Robert McNally - nguyên cố vấn năng lượng cho cựu Tổng thống George W. Bush cho biết.
Trên thực tế, những tháng qua, chính quyền Biden đã thuyết phục nhiều khách hàng châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc từ bỏ các lô hàng LNG để chuyển hướng chúng đến châu Âu. Về dài hạn, Robert McNall cho rằng một khi hạ tầng phát triển đủ, Mỹ có thể trở thành "kho vũ khí năng lượng" để giúp châu Âu phá vỡ sự phụ thuộc vào Nga.
Mỹ có nhiều khí đốt tự nhiên, phần lớn nằm trong các mỏ đá phiến từ Pennsylvania đến vùng Tây Nam. Vấn đề nằm ở việc vận chuyển.
LNG không được vận chuyển qua đường ống. Thay vào đó, nó được làm lạnh để hóa lỏng bằng một quy trình đắt tiền tại các cảng, chủ yếu ở khu Bờ Vịnh. LNG sau đó được đưa vào các tàu chở dầu chuyên dụng. Khi tàu đến đích, họ phải đảo ngược quá trình để chuyển LNG thành khí.
Việc xây một cảng để phục vụ xuất nhập khẩu LNG như vậy có thể tốn hơn một tỷ USD. Việc lập kế hoạch, xin giấy phép và hoàn thành xây dựng còn mất nhiều năm nữa. Hiện có 7 cảng xuất khẩu ở Mỹ và 28 cảng nhập khẩu quy mô lớn ở châu Âu, được khu vực này dùng để nhận LNG của cả Qatar và Ai Cập.
Một số quốc gia châu Âu, bao gồm cả Đức, gần đây không quan tâm đến việc xây dựng thêm cảng LNG vì nhập khẩu khí đốt bằng đường ống từ Nga rẻ hơn nhiều. Tuy nhiên, tình thế thay đổi buộc Đức phải hồi sinh kế hoạch xây dựng cảng nhập LNG ở bờ biển phía bắc.
"Nhu cầu về khí đốt của châu Âu vượt xa những gì hệ thống có thể cung cấp", Nikos Tsafos - nnhà phân tích năng lượng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington cho biết.
Về dài hạn, các chuyên gia năng lượng cho rằng Mỹ có thể làm được nhiều điều để giúp đỡ EU. Cùng với Liên minh châu Âu, Washington có thể cung cấp bảo lãnh khoản vay cho các cảng xuất khẩu của Mỹ và nhập khẩu châu Âu để giảm chi phí và đẩy nhanh tiến độ xây dựng.
Các chính phủ có thể yêu cầu các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Đầu tư Châu Âu ưu tiên các thiết bị đầu cuối, đường ống dẫn và cơ sở xử lý khí đốt. Họ có thể nới lỏng các quy định cho các hãng khai thác khí đốt, hãng xây dựng đường ống và phát triển thiết bị đầu cuối để việc tạo dựng cơ sở hạ tầng dễ dàng và rẻ hơn.
Charif Souki - Chủ tịch Tellurian, một nhà sản xuất khí đốt của Mỹ đang có kế hoạch xây dựng một nhà ga xuất khẩu LNG ở Louisiana. Ông hy vọng chính quyền Biden sẽ hợp lý hóa việc cấp phép và đánh giá môi trường "để đảm bảo mọi thứ diễn ra nhanh chóng".
Ông nói thêm rằng chính phủ có thể khuyến khích các ngân hàng và nhà đầu tư rót tiền, vì một số gần đây tránh các dự án dầu khí để thực hiện các mục tiêu về khí hậu. "Nếu tất cả các ngân hàng lớn ở Mỹ và các tổ chức lớn như BlackRock và Blackstone cảm thấy thoải mái khi đầu tư vào khí đốt và không bị chỉ trích, chúng tôi sẽ phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 100 tỷ USD mà chúng ta cần", ông Souki nói.
Một số cảng xuất khẩu đang được xây dựng ở Mỹ và có thể giúp tăng xuất khẩu thêm khoảng một phần ba vào năm 2026. Khoảng 10 dự án đã được Ủy ban Điều tiết Năng lượng Liên bang phê duyệt nhưng không thể tiếp tục vì thiếu vốn. "Đó là điểm nghẽn", Tsafos nói.
Tại châu Âu, khoảng 10 cảng nhập khẩu LNG đang được xây dựng hoặc đang trong giai đoạn lập kế hoạch ở Italy, Bỉ, Ba Lan, Đức, Cyprus và Hy Lạp. Nhưng hầu hết vẫn chưa có đủ nguồn tài chính.
nguồn : vnexpress.net