Lần đầu tiên sau gần nửa năm, giá tiêu dùng tại Trung Quốc tăng trở lại, giúp nền kinh tế này thoát giảm phát.
Hôm 9/3, Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố số liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nước này tăng 0,7% trong tháng 2. Đây là lần đầu tiên trong gần nửa năm qua, CPI Trung Quốc đi lên.
Trước đó, nước này ghi nhận 4 tháng giảm phát liên tục. Tháng 1/2024, CPI Trung Quốc còn giảm 0,8% - mạnh nhất 15 năm.
Giảm phát được định nghĩa là mức giảm bền vững và trên quy mô lớn với giá hàng hóa, dịch vụ trong một khoảng thời gian nhất định. Đây không phải là điều tích cực với nền kinh tế. Vì khi người tiêu dùng và doanh nghiệp trì hoãn chi tiêu để kỳ vọng giá giảm thêm, hoạt động kinh tế sẽ bị kìm hãm.
Thịt lợn tại một khu chợ bán buôn ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: Reuters
So với tháng trước đó, CPI Trung Quốc tháng 2 tăng 1%. Tốc độ này cao hơn dự báo của các nhà kinh tế học trong khảo sát của Reuters.
Số liệu mới nhất phần nào xoa dịu sức ép cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, trong bối cảnh nhu cầu nội địa đi xuống, bất động sản chưa thoát khủng hoảng và nợ chính quyền địa phương vẫn ở mức cao. Tháng trước, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) giảm lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm lần đầu tiên kể từ giữa năm 2023, để hỗ trợ nền kinh tế.
Dù vậy, chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 2 của nước này vẫn giảm 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giảm này mạnh hơn dự báo của Reuters.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) tại Trung Quốc đã giảm 16 tháng liên tiếp, ăn mòn biên lợi nhuận của các nhà máy. Sản lượng và việc làm ngành công nghiệp tại Trung Quốc vì thế đang bị đe dọa. Số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc năm 2022 cho thấy khoảng 180 triệu người đang làm công việc liên quan đến xuất khẩu.
Trung Quốc vẫn đang vật lộn với tăng trưởng chậm cả năm qua. Giới chức nước này cam kết tung thêm chính sách kích thích, khi các biện pháp áp dụng từ tháng 6/2023 chỉ có tác dụng không đáng kể. Năm nay, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng quanh 5%, tương đương năm ngoái.
Dù vậy, Trung Quốc đến nay vẫn hướng nguồn lực tài chính về ngành sản xuất hơn là tiêu dùng. Giới phân tích cho rằng việc này đang làm trầm trọng thêm tình trạng dư thừa công suất và nỗi lo giảm phát, kể cả trong các ngành đang bùng nổ, như xe điện.
nguồn : vnexpress.net