Khi bị đánh giá sai về hiệu suất làm việc, bạn cần những bước chứng minh thành tích bài bản và cân nhắc rời đi nếu cần thiết.
Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn có thành tích tốt mà vẫn bị kết luận rằng kết quả không đạt kỳ vọng? Việc bị gắn mác là nhân viên năng suất kém có thể tác động tiêu cực đến danh tiếng của bạn trong công ty, khả năng tiếp tục hoàn thành công việc và sự tự tin của bạn. Dưới đây là bốn hành động cần thực hiện nếu bạn cho rằng mình đang bị đánh giá sai.
Trình bày thành tích
Đã đến lúc bắt đầu vận động cho bản thân. Nếu sếp nói rằng hiệu suất của bạn không tốt, hãy sẵn sàng bảo vệ uy tín bằng cách chỉ ra những thành công của bạn.
Đưa ra danh sách các sáng kiến chính mà bạn đang thúc đẩy, bao gồm cả tiến trình và chỉ số cập nhật nhất mà bạn có. Đồng thời, hãy sẵn sàng làm nổi bật những dự án bạn đã tham gia và những vấn đề bạn đã giúp giải quyết mà sếp có thể không biết. Gửi những điều này qua email sau cuộc trò chuyện để sếp có đủ tài liệu nhìn nhận những đóng góp của bạn.
Nếu bạn không lưu lại các thành tích của mình thường xuyên dù lớn hay nhỏ thì bây giờ là lúc để bắt đầu. Kích hoạt bộ nhớ bằng cách xem lại email, ghi chú, tin nhắn và lịch làm việc. Chúng ta thường quên mất những điều chúng ta đã hoàn thành, đặc biệt là khi chúng ta đạt được nhiều kết quả hơn trong năm. Nếu không biết những thành công của mình, bạn không thể kể câu chuyện về tác động mà bạn đang tạo ra cho công ty.
Trình bày các thành tích đóng góp của bạn là bước đầu tiên. Ảnh: Pixabay
Nhờ sự công nhận của người khác
Tự mình chia sẻ thành tích chỉ là một phần trong việc bảo vệ bản thân. Hãy đồng thời nhờ đồng nghiệp và các lãnh đạo khác chia sẻ về những thành công của bạn với sếp và ủng hộ bạn.
Nói cụ thể về mong muốn của bạn để đảm bảo họ chia sẻ chi tiết về cách bạn đã giúp công ty tiết kiệm hoặc tăng doanh thu cho một dự án gần đây, hay những đầu việc mà bạn đã hỗ trợ khi đồng nghiệp nghỉ phép.
Nếu sếp của bạn không biết các lãnh đạo khác cũng kéo bạn vào nhiều dự án, sáng kiến khác nhau của công ty thì có thể họ không nhận ra bạn đã nỗ lực sử dụng quỹ thời gian thế nào. Tóm lại, đây là thời điểm để các đồng minh tại nơi làm việc bắt tay vào hành động.
Cập nhật lại mô tả công việc
Nhiều nhân viên đã phải đảm nhận công việc ngoài nhiệm vụ ban đầu mà họ được giao trong thời gian xảy ra đại dịch. Những trách nhiệm bổ sung này có thể bao gồm việc tiếp quản đầu việc từ các nhân viên đã nghỉ, đối phó với sự gián đoạn lặp đi lặp lại trong công việc và chuyển hướng sang các mô hình kinh doanh hoàn toàn mới.
Nếu sếp không biết về tất cả những vai trò phụ mà mà bạn đã phải đảm nhận thêm, thì đây có thể là một lý do khiến bạn bị gắn mác là người năng suất kém, do chỉ bị nhìn nhận với vai trò cũ.
Vì vậy, khi hiệu suất của bạn bị nghi vấn, hãy đảm bảo rằng mô tả công việc đã được cập nhật để giải quyết các quyền lợi bổ sung mà bạn xứng đáng được hưởng. Điều này rất quan trọng để sếp điều chỉnh những mục tiêu và kỳ vọng dành cho bạn.
Nếu sếp không sẵn lòng cập nhật mô tả công việc cho bạn, hãy tự cập nhật nó và gửi một bản sao cho họ cũng phòng nhân sự để tất cả các bên có thể nhìn thấy những gì bạn đang làm.
Hiểu các lựa chọn của bạn
Nếu bạn bị gắn mác là nhân viên năng suất kém thì có hai khả năng diễn ra. Hoặc bạn thay đổi được nhận thức của sếp bằng các cách trên. Hoặc không thì bạn sẽ bị đưa vào một kế hoạch cải thiện hiệu suất, trong đó sếp sẽ vạch ra nguyên nhân gốc rễ dẫn đến hiệu suất kém và đưa ra những kỳ vọng rõ ràng để cải thiện.
Các kế hoạch này thường kéo dài từ 30 đến 90 ngày, theo dõi tiến độ hàng tuần. Nếu bạn vượt qua thành công, bạn sẽ tiếp tục vai trò của mình hoặc có cơ hội chuyển sang nhóm khác. Nếu không, bạn sẽ bị yêu cầu rời khỏi công ty.
Nhưng nên tự hỏi bản thân: Bạn có muốn tiếp tục làm việc cho một ông chủ không tin rằng bạn đang đáp ứng các kỳ vọng trong công việc và luôn nghi ngờ khả năng không?
Cần lưu ý rằng, năng lượng mà bạn sử dụng để thuyết phục sếp rằng mình đang hoàn thành tốt công việc có thể khiến bạn cảm thấy kiệt sức, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của bạn. Năng lượng đó có thể được dành để tìm kiếm một cơ hội khác mà bạn cảm thấy được đánh giá cao và được lắng nghe.
Vì vậy, nếu bạn quyết định rời đi thì nên ngồi lại với sếp và phụ trách nhân sự để yêu cầu một gói thôi việc trước khi nộp đơn từ chức. Bạn có thể thương lượng nhiều hơn tùy thuộc vào hoàn cảnh của mình. Đừng để việc bị sếp gắn mác sai ảnh hưởng đến giá trị bản thân của bạn.
Trong khoảng thời gian xin thôi việc, có thể đã đến lúc bạn bắt đầu chương tiếp theo của mình. Những cơ hội tuyệt vời đang chờ phía trước. Đừng để một ông chủ như vậy khống chế quỹ đạo sự nghiệp hoặc những gì bạn định làm tiếp theo.
nguồn : vnexpress.net